Quy tắc an toàn cho trẻ mới biết đi bố mẹ cần biết

(YTT) - Trẻ mới biết đi thường rất tò mò, hiếu động và tràn đầy năng lượng. Do đó, chúng không ngần ngại đi lại, chạy nhảy hoặc leo trèo khắp mọi nơi. Phải làm sao để bảo vệ con trước những nguy cơ có thể xảy đến?

Ảnh minh họa: Internet

Ở độ tuổi này, trẻ cũng rất thích trải nghiệm và khám phá thế giới. Chúng sẵn sàng cho một thứ gì đó vào tai, vào mũi mình hoặc mũi của những đứa trẻ khác. Đôi lúc, những vật này sẽ mắc kẹt, gây ra hiện tượng kích ứng và nhiễm trùng. Thực tế, cho đến năm 5-6 tuổi, hầu hết trẻ nhỏ đều không hiểu được những nguy hiểm mà chúng có thể gặp phải.

Trẻ sẽ dần hiểu và tránh được những mối nguy nếu bạn hướng dẫn cho con các quy tắc an toàn. Ngoài ra, nếu loại bỏ được những mối nguy này, bạn có thể cho con tự do khám phá thế giới đúng như mong muốn.

An toàn trong nhà

Cách tốt nhất để bảo vệ con an toàn khi ở trong nhà là cúi xuống ngang tầm với trẻ và nhìn xung quanh. Vào lúc này, bạn có thể nhìn mọi thứ dưới góc độ của con và phát hiện những mối nguy tiềm ẩn. Để tránh việc cứ liên tục nói “không” với con, hãy di chuyển vị trí của những đồ vật mà bạn không muốn con động vào.

Đây cũng là lúc bạn bắt đầu dạy cho con những nơi con có thể và không thể đi tới trong nhà, cũng như những thứ không an toàn để động vào. Hãy lập hàng rào những khu vực mà con có thể gặp nguy hiểm. Ngoài ra, bạn nhớ tuân thủ những điều sau đây:

- Trẻ mới biết đi rất thích leo trèo, vì thế hãy gia cố đồ vật trong nhà, đặc biệt là tủ sách và ti vi.

- Đặt ghế xa cửa sổ và ban công để con bạn không thể trèo lên.

- Tắt lò sưởi khi bạn rời khỏi phòng.

- Dây buộc rèm và dây kéo cửa sổ có thể khiến con bị nghẹt thở khi đùa nghịch. Hãy bỏ các loại dây này đi hoặc treo chúng ngoài tầm với.

- Dạy con không được đóng sầm cửa và không cho tay vào bản lề.

- Khi bạn uống trà hay cà phê nóng, đặt cốc trà, cà phê tránh xa con.

- Lắp đặt một cánh cửa an toàn ở đầu cầu thang.

- Giảm nhiệt độ của bình nóng lạnh để ngăn con bị bỏng.

- Trang bị một bộ sơ cứu và đặt nó ngoài tầm với của con.

Đối phó với nguy cơ mắc nghẹn

Bạn có thể tránh rủi ro này bằng những biện pháp phòng ngừa sau đây:

- Khuyến khích bé ngồi một chỗ khi ăn. Trẻ em rất dễ bị nghẹn nếu vừa ăn vừa chạy hoặc nô đùa.

- Các loại hạt có thể khiến trẻ bị nghẹt thở. Vì thế, không nên cho trẻ ăn các loại hạt cho đến khi chúng được năm tuổi.

- Đặt đồ chơi cho trẻ nhỏ và các anh chị lớn hơn trong những hộp đồ riêng biệt.

- Đặt những đồ vật nhỏ chẳng hạn như pin) ngoài tầm với của trẻ.

Trong phòng ngủ

Hạ cửa cũi xuống nếu con cứ cố gắng trèo ra ngoài. Nếu con không chịu ở yên trong cũi, hãy cân nhắc việc cho con nằm giường.

Không nên cho trẻ dưới 9 tuổi nằm giường tầng, bởi trẻ rất thích leo trèo và đùa nghịch trên giường mà không hề ý thức được những rủi ro có thể xảy đến.

Trong nhà bếp

Hãy dạy con tránh xa nhà bếp khi bạn đang nấu nướng. Bạn có thể cho con chơi một món đồ hoặc tham gia một hoạt động gì đó để con luôn bận rộn trong khi bạn nấu ăn.
Sau đây là những lời khuyên bạn nên ghi nhớ để giữ cho con luôn an toàn trong nhà bếp:

- Các loại dây thiết bị lủng lẳng có thể kích thích trí tò mò, khiến trẻ muốn kéo thử, do đó hãy treo dây lên cạnh ghế.

- Khi nấu ăn, để tay cầm của chảo hướng vào trong.

- Đặt nước tẩy rửa, thuốc xịt côn trùng và các hóa chất khác trong tủ khóa kín ở trên cao.

- Di dời các loại ghế giúp con leo lên để với tới các vật dụng nguy hiểm, ví dụ như dao hoặc kính.

- Vứt túi nilon mà bạn không dùng đến hoặc đã dùng xong càng sớm càng tốt. Luôn buộc túi nilon mà bạn dùng để lưu trữ đồ.

Trong phòng tắm

Một vài quy tắc đơn giản dưới đây có thể đảm bảo sự an toàn của con bạn khi ở trong phòng tắm:

- Không bao giờ để bé ở một mình trong phòng tắm, dù chỉ trong chốc lát. Tai nạn chết đuối diễn ra rất nhanh chóng và yên lặng. Do đó, nếu bạn cần rời khỏi nhà tắm để lấy thứ gì đó, hãy đưa con ra ngoài theo.

- Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho con .

Khi đi ra ngoài

Trẻ mới biết đi thường rất hiếu động. Có thể một phút trước, con còn đứng cạnh bạn, nhưng một phút sau, con đã ở gần một cái ao hoặc đang chạy ra chỗ để xe. Vì thế nên khi đưa con ra ngoài, bạn cần phải để mắt trông chừng con, như vậy mới tránh được các tai nạn nguy hiểm.

- Khi đi bộ, nhớ nắm tay con hoặc cho con ngồi xe đẩy để con không chạy lung tung.

- Nhớ cho con bôi kem chống nắng và đội mũ. Trẻ rất dễ bị cháy nắng. Do đó, bạn cần phải tạo thành thói quen đội mũ cho con mỗi khi ra ngoài.

- Luôn thắt dây an toàn đúng kích cỡ khi cho trẻ ngồi ô tô.

- Trẻ ngồi một mình trong xe sẽ nhanh chóng cảm thấy nóng nực. Vì vậy, hãy luôn đưa con đi cùng, không bao giờ để con ngồi trong xe một mình.

- Bể bơi, sông hồ là các khu vực nguy hiểm đối với những đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động. Vì thế, hãy luôn trông chừng khi con đến gần những khu vực này.

Ngọc Khanh
Theo raisingchildren
Yeutretho/ Seatimes

Nguồn ĐS&PL: http://www.yeutretho.com/quy-tac-an-toan-cho-tre-moi-biet-di-bo-me-can-biet-203469.ytt