Quỳ Hợp phấn đấu có tour du lịch vào năm 2024

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, huyện miền núi Quỳ Hợp đã và đang chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Huyện Quỳ Hợp hiện có 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ sinh sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, thể hiện qua trang phục, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, ngôn ngữ. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái, Thổ chiếm hơn 53% dân số của huyện. Bởi vậy, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong huyện thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa Thái với các làn điệu xuối, lăm, nhuôn...; văn hóa dân tộc Thổ với những điệu hát tập tính tập tang, đu đu điềng điềng...

Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn lưu giữ các trò chơi dân gian độc đáo, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú. Quỳ Hợp còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, với nhiều loại động, thực vật quý hiếm đang được Nhà nước và các tổ chức quốc tế quan tâm và bảo tồn; có hệ thống hang động khá đa dạng và độc đáo, gắn với nhiều di tích, danh thắng như hang Poòng, hang Hổ, hang Bản Vực, thác Tiên, thác Bản Bìa, thác Bản Tạt, Bãi Tập, đền Dinh, đền Mó, chùa La, đền Le, đền Choọng, đền thờ Tạo Nọi...

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Thái (Quỳ Hợp). Ảnh: TH

Với những tiềm năng và lợi thế hấp dẫn đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳ Hợp khóa XXI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 25/10/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 15, UBND huyện Quỳ Hợp ra Quyết định số 2068/QĐ - UBND ngày 27/10/2021 ban hành Đề án thu hút đầu tư, khai thác du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030; cùng với đó là nhiều kế hoạch được ban hành nhằm thúc đẩy ngành Du lịch trên địa bàn huyện phát triển một cách bền vững...

Du khách thích thú khi thưởng thức rượu cần tại bản du lịch Choọng Bùng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp). Ảnh: TH

Với sự quan tâm chỉ đạo của Sở Du lịch, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, các cấp, ngành và cùng với sự nỗ lực phấn đấu của ngành Văn hóa và Thông tin huyện, nên trong 2 năm qua (2021 và 2022), tình hình phát triển du lịch của huyện Quỳ Hợp có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương quan tâm và ban hành đề án, kế hoạch, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng tại cơ sở đã góp phần tạo động lực, làm đòn bẩy cho đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện

Bà Trương Thị Giang - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳ Hợp

Một trong những chương trình góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Trong năm 2023, huyện Quỳ Hợp đã triển khai xây dựng, tôn tạo Công viên hồ Thung Mây trị giá 10 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2020-2025 của địa phương; thu hút nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh xây dựng 2 tuyến đường nối Quốc lộ 48C từ bản Choọng Bùng (xã Châu Lý) với huyện Tân Kỳ trị giá 70 tỷ đồng, tuyến giao thông nối Quốc lộ 48C từ bản Choọng Bùng, xã Châu Lý đi qua thác Bản Bìa – Thung Manh với huyện Con Cuông trị giá 30 tỷ đồng; xây dựng Nhà Văn hóa Choọng Bùng, hệ thống đường dạo bộ bản Choọng Bùng trị giá trên 3 tỷ đồng...

Điểm đến du lịch hấp dẫn phía Tây Bắc

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành nhiều văn bản để bảo tồn các di tích lịch sử, danh thắng và bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện như đề nghị xếp hạng Di tích đền Mó (xã Nghĩa Xuân), đền thờ Tạo Nọi, Mường Ham (xã Châu Cường).

Sở Du lịch Nghệ An về bản Choọng Bùng, xã Châu Lý hướng dẫn cách làm du lịch cộng đồng. Ảnh: TH

Hiện nay, Ban Quản lý di tích tỉnh đang hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục xếp hạng đền thờ Tạo Nọi, tổ chức hội thảo về phục dựng đền Dinh (xã Tam Hợp) và đền Le (xã Châu Quang). Đồng thời, xây dựng thêm một mô hình câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ cấp tỉnh; 1 mô hình văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Mả và xóm Mó, xã Nghĩa Xuân cấp huyện; 3 mô hình văn hóa dân gian dân tộc Thái và dân tộc Thổ tại xã Châu Cường, xã Nghĩa Xuân và xã Minh Hợp. Tích cực khảo sát các danh thắng trên địa bàn huyện như hang Bản Vực, thác Bản Bìa (xã Châu Lý), thác Tiên (xã Châu Thành), mó nước (xã Nghĩa Xuân, xã Văn Lợi), đập Bản Mồng (xã Yên Hợp)...

Duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa dân gian tại các xã, thị trấn. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được hoàn thiện, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ du khách ngày càng phát triển đã tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch; hình thành các tuyến, điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, cộng đồng thu hút và giữ chân khách du lịch, điển hình như bản du lịch cộng đồng Choọng Bùng, điểm du lịch sinh thái Thác Tiên, Thác Bìa, Mó Mo, xã Nghĩa Xuân, Mó Lòn, xã Văn Lợi...

Trang phục truyền thống của các đồng bào dân tộc huyện Quỳ Hợp. Ảnh: PV

Huyện Quỳ Hợp đã và đang bắt đầu xây dựng tour, tuyến du lịch phục vụ du khách và bước đầu có hiệu quả nổi bật như bản du lịch cộng đồng Choọng Bùng (xã Châu Lý). Từ ngày 11/7/2022 đến nay, bản du lịch cộng đồng Choọng Bùng đã đón 43 lượt khách với khoảng hơn 1.350 người; chủ yếu là khách trong tỉnh, huyện và xã bạn. Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch cộng đồng tính đến nay hơn 400 triệu đồng.

Cũng tại xã Châu Lý, điểm du lịch sinh thái thác Bản Bìa bước đầu thu hút khá đông lượt khách trong huyện đến tham quan. Tính từ tháng 4/2022 đến nay, tại điểm này đón khoảng 4.800 lượt khách, với tổng thu hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, có một doanh nghiệp đang làm thủ tục xin cấp phép xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm làng du lịch cam Vinh sinh thái và một doanh nghiệp đang xin chủ trương xây dựng khu du lịch sinh thái tại thác Bản Bìa, xã Châu Lý.

Bà con đồng bào Thổ (Quỳ Hợp) chuẩn bị bánh cho lễ hội Bốc mó. Ảnh: TH

Ngoài 2 điểm du lịch sinh thái nêu trên, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đang bắt đầu hình thành các điểm tham quan, trải nghiệm, như hồ chứa nước Bản Mồng ở xã Yên Hợp, mó nước ở xã Nghĩa Xuân, đồi chè ở xã Minh Hợp, mó nước ở xã Văn Lợi, Thác Tiên ở xã Châu Thành...

Ông Hoàng Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của địa phương. Phấn đấu trong nhiệm kỳ mỗi địa phương hình thành ít nhất 1 điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng.

Huyện cũng quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng nhằm đưa khách về Quỳ Hợp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Quỳ Hợp; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, chú trọng nâng tầm tổ chức các lễ hội truyền thống... Qua đó, phấn đấu đến năm 2024, huyện xây dựng được 1 tour du lịch gắn với 2 – 3 điểm đến trên địa bàn...

Thu Hương

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/quy-hop-phan-dau-co-tour-du-lich-vao-nam-2024-post279276.html