Quy hoạch Ủy viên Trung ương

Quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. Đề cập đến nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc' và nêu rõ, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta lâu nay luôn luôn xác định: Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng.

Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đó của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ngày 7/7/2023, căn cứ vào quy chế làm việc và Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031, trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc; mục đích yêu cầu; tiêu chuẩn; số lượng và cơ cấu; đối tượng và độ tuổi; quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự; số lượng phát hiện, giới thiệu đưa vào quy hoạch...

Thời gian qua, trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 đã khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại hội nghị lần này.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến công tác cán bộ, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng đã rà soát, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, quy định có liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, khoa học. Trong đó, đã ban hành Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định 214 nêu rõ những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các chức danh lãnh đạo khối cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp Trung ương và địa phương...

Trong đó, bên cạnh phẩm chất về chính trị, tư tưởng còn là những chuẩn mực về đạo đức lối sống như: Sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... Về năng lực, phải thực sự "năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; nói đi đôi với làm; có thành tích nổi trội"...

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong đó, Quy định 80 nêu rõ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Có ý kiến cho rằng, vì sao công tác cán bộ nhiệm kỳ nào cũng được coi trọng với các quy trình bài bản nhưng vẫn để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, vẫn xảy ra tình trạng cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật, trong đó có trường hợp rất nghiêm trọng? Thực tế, vấn đề này chúng ta cần có cách nhìn đầy đủ, toàn diện. Việc sửa đổi, bổ sung những quy định về công tác cán bộ là yêu cầu khách quan, gắn với sự phát triển đất nước, trong đó quan điểm là phát huy kinh nghiệm, thành quả đạt được và nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại để kịp thời đưa ra các giải pháp "bịt kẽ hở", đảm bảo ngày càng chặt chẽ, khoa học. Có những vi phạm của cán bộ xảy ra từ lâu nhưng chưa được phát hiện, lọt qua các quy trình kiểm tra do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, quan điểm là việc kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, liên tục chứ không phải cá nhân nào đó giấu giếm sai phạm, làm đẹp hồ sơ để bầu cử, bổ nhiệm xong là "an toàn". Vì thế, khi những sai phạm được phát hiện, dù là sai phạm hiện tại hay trong quá khứ thì đều phải làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.

Theo báo cáo nêu tại phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 16/8/2023), tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay (tháng 8/2023), đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII). Đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 2 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 4 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 7 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố; 2 trợ lý phó thủ tướng và 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang.

Và, tại Hội nghị lần thứ 8, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với hai cán bộ, gồm: Ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và ông Trịnh Văn Chiến - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để ông Điểu K'ré - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Thực tiễn, với sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm bất kể là ai, ở cương vị nào đã cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng giữa nói và làm, giữa việc ban hành nghị quyết, chỉ thị với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, từ đó tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung rất hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây trong dư luận đã xuất hiện những luồng quan điểm có xu hướng sai lệch với sự chỉ đạo nhất quán trên. Đó là những ý kiến cho rằng, thời gian qua, chúng ta xử lý tham nhũng, tiêu cực "quá mạnh tay", "bắt bớ quá nhiều", tạo ra sự lo ngại, trì trệ trong công tác và lao động, sản xuất. Về vấn đề này, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thời gian tới cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

"Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc"; "đừng thấy đỏ tưởng là chín", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Như vậy, cùng việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, làm rõ và xử lý kỷ luật nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm, trong đó có cán bộ diện Trung ương quản lý thì Đảng ta đã không ngừng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, quy định có liên quan công tác cán bộ nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, khoa học. Trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 đã khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho định hướng hoàn thiện thêm một bước dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại hội nghị lần này.

Đăng Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/quy-hoach-uy-vien-trung-uong-i709815/