Quy hoạch sông Sài Gòn thế nào để tạo được đột phá cho TP.HCM?

TP.HCM xác định quy hoạch sông Sài Gòn là nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch chung của thành phố, là bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Quy hoạch sông Sài Gòn như thế nào để vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa đảm bảo việc bảo tồn giá trị di sản của dòng sông gắn liền với lịch sử 300 năm Sài Gòn-Gia Định là vấn đề đang được đặt ra. Đây cũng là nội dung phóng viên VOV đặt ra trong buổi phỏng vấn Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

TP.HCM xác định quy hoạch sông Sài Gòn là nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch chung của thành phố

Tạo quỹ đất lớn để phục vụ phát triển kinh tế

PV: Thưa kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ông đánh giá như thế nào về việc TP.HCM đang khai mở không gian phát triển ven sông Sài Gòn như một hướng đi để tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương?

KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM lúc xưa vốn là một đô thị sông nước sầm uất, đặc biệt là khu vực bến Nhà Rồng, bến Bình Đông. Chỉ có điều, trong một giai đoạn phát triển, chúng ta có phần “quay lưng” ra sông, hoặc những dự án bất động sản “chiếm” khu vực ven sông làm của riêng.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Thành ra bây giờ, cần phải trả lại không gian ven sông trở thành không gian của công cộng, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM là một siêu đô thị trên 10 triệu dân. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm của lãnh đạo TP.HCM.

Sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM khoảng 80km. Nếu chúng ta lấy 500m cho mỗi bên bờ ven sông thì chúng ta sẽ có khoảng 8.000ha. Đấy là chưa tính không gian ở hai bên các kênh, rạch như: Rạch Bến Nghé, rạch Bùng Binh… Đây là một quỹ đất rất lớn mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

PV: TP.HCM xác định quy hoạch, phát triển sông Sài Gòn, là một những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch chung của TP trong thời gian tới. Vậy thưa ông, chúng ta nên quy hoạch, phát triển dòng sông này như thế nào?

KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM nên tham khảo kinh nghiệm phát triển ven sông của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc tham khảo chỉ nên đáp ứng cho một số nhu cầu nhất định, và không nên sao chép nguyên bản.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải trả lại không gian ven sông trở thành không gian của công cộng, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM là một siêu đô thị trên 10 triệu dân

Bản thân sông Sài Gòn, bản thân TP.HCM có 300 năm lịch sử. Nếu chúng ta khai thác được điểm đặc sắc đó để tạo nên nét riêng biệt thì giá trị cộng hưởng của dòng sông đem lại cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố sẽ rất lớn.

Ở đây, chúng ta cần nhìn lại trong số rất nhiều điển cứu (phương pháp nghiên cứu điển hình) để có thể áp dụng cho TP.HCM. Như sông Seine của Pháp chẳng hạn.

Sông Sein có tổ chức hệ thống giao thông thủy kết hợp với việc tổ chức cảnh quan, nhà cửa, hai bên sông... Đó là một mô hình mà TP.HCM cần tham khảo, đặc biệt cho khu trung tâm.

TP.HCM có thể tham khảo thêm kinh nghiệm từ phát triển sông Amstel của TP.Amsterdam, Hà Lan. Dòng sông này có hệ thống bến thuyền rất linh động. Cuộc sống trên bờ và dưới nước hòa quyện để tạo thành một không gian thống nhất.

Gần hơn là thời gian mà chúng tôi quy hoạch cho TP.Thượng Hải của Trung Quốc. Tôi thấy rằng, sông Hoàng Phố và hệ thống kênh rạch ở đây tương đồng với sông Sài Gòn.

Nếu một bên bờ của sông Hoàng Phố là khu Tô Giới lịch sử thì sông Sài Gòn cũng có khu Quận 1, Quận 3 là khu phố Pháp lịch sử. Sông Hoàng Phố có một khu đô thị hoàn toàn mới để làm trung tâm kinh tế, tài chính là phố Đông Thượng Hải thì ở TP.HCM chúng ta có Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo tôi, quy hoạch ven sông Hoàng Phố là tham khảo đáng quan tâm.

PV: Như ông đã nói, sông Sài Gòn gắn liền với 300 năm lịch sử phát triển của Sài Gòn-Gia Định. Vậy, việc khai thác sông như thế nào để vừa đảm bảo sự đột phát trong phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được giá trị di sản của dòng sông?

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đầu tiên, chúng ta phải xác định, sông Sài Gòn đóng vai trò như một trục cảnh quan xanh xuyên suốt, định hình cho việc phát triển TP.HCM như là một đô thị sông nước.

Bên cạnh đó là không gian xanh ở 50m hành lang bảo vệ sông. Việc phát triển không gian xanh mặt nước ở hai bên ven sông, hai bên các kênh, rạch mở ra cơ hội cho chúng ta sớm hướng đến việc đạt tỷ lệ 10m2 cây xanh/người.

Cũng cần lưu ý rằng, 10m2/người không phải là cao. Bởi nhiều đô thị trên thế giới đã đạt đến mức 20m2 - 30 m2/người rồi. Như vậy, đây là cơ hội để chúng ta bảo tồn giá trị môi trường cũng như tăng giá trị bản sắc xanh.

Sông Sài Gòn khu vực cảng Tân Thuận - ảnh Hà Khánh

Dọc theo sông Sài Gòn, chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển những khu đô thị có bản sắc đặc biệt với khu trung tâm là một không gian xanh rất sinh động, có quảng trường cho hàng triệu người để tổ chức những lễ hội lớn.

Song song đó là khai thác các khu vực khác có bản sắc đặc thù, ví dụ như khu vực Thanh Đa hay là khu vực Tân Thuận (sau khi khu chế xuất trả về cho thành phố), hoặc là những khu dân cư ven sông…

Chúng ta có thể hình dung rằng, cuộc sống ven sông sau khi quy hoạch như một bản giao hưởng. Có những đoạn sôi động, có đoạn êm dịu, những đoạn cao trào và cũng có những khoảng lặng.

PV: Sông Sài Gòn là dòng sông chảy qua các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương. Vậy làm thế nào để tạo được sự hài hòa trong phát triển, quy hoạch dòng sông chung này, thưa ông?

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi nghĩ rằng nên có một định hướng và có những cơ chế liên kết vùng, hợp tác Vùng trong quy hoạch ven sông Sài Gòn. Ví dụ như đoạn sông Sài Gòn ở phía Bắc, có đoạn bờ bên này là TP.HCM, bờ bên kia là Bình Dương hay Đồng Nai. Bởi vậy, rất cần sự phối hợp giữa các địa phương để không gian dòng sông có sự liên kết về mặt cảnh quan cũng như về giao thông. Từ đó tạo nên mối liên kết và hợp tác Vùng, giúp cho các địa phương đều tăng trưởng cao về GRDP và kinh tế- xã hội.

Cũng cần lưu ý, không nên quá cứng nhắc là phải quy hoạch toàn bộ tuyến sông rồi mới làm. Tôi nghĩ rằng, quan trọng hơn là nên có một định hướng chiến lược chung cho toàn tuyến nằm trong TP.HCM cũng như cho các tỉnh, thành lân cận giáp ranh con sông Sài Gòn.

Ngoài ra, khuyến khích những đoạn sông nào có thể làm được thì làm ngay để giúp cho người dân thấy được hiệu quả thực tế. Và dần dần chúng ta biến không gian ven sông Sài Gòn trở thành phòng khách xanh mát, thân thiện của TP.HCM; trở thành một không gian thư giãn cuối tuần cho hàng hàng chục triệu người dân. Điều này cũng giúp cho việc phát triển bền vững của thành phố không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà còn cả về mặt văn hóa, lịch sử và môi trường.

PV: Vâng! Xin cảm ơn ông.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.

Ông Ngô Viết Nam Sơn từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như: Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, Quy hoạch Đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), Thành phố Kyoto Thế kỷ 21 (Nhật Bản), Dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)…

Việt Đức-Hà Khánh/VOV - TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quy-hoach-song-sai-gon-the-nao-de-tao-duoc-dot-pha-cho-tphcm-post1085572.vov