Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020

(VEN) - Các khu công nghiệp (KCN) phát triển nhanh và ngày càng giữ vai trò quyết định trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, đa dang hóa ngành nghề, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các KCN góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi trong việc quản lý và thu hút các dự án đầu tư một cách tập trung, theo đúng quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị một cách đồng bộ trên địa bàn. Đáp ứng nhu cầu phát triển Bình Dương đã lên cho mình quy hoạch các KCN đến năm 2020. Những thành quả đạt được Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 28 KCN được thành lập với tổng diện tích là 8.925,13ha. Các KCN của tỉnh được phân bố trên địa bàn 4 huyện: Dĩ An có 6 KCN với diện tích 713,6ha, Thuận An có 3 khu với diện tích 654,6ha, Bến Cát có 9 khu với diện tích 4.114,4ha, Tân Uyên có 3 khu với diện tích 1.751,8ha (bao gồm 1 phần VSIP II mở rộng với diện tích 1.008ha) và 7 KCN thuộc Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương với diện tích 1.717,7ha. Tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở Bình Dương có 18 DN thuộc nhiều thành phần kinh tế, bao gồm 3 DN nhà nước, 2 công ty liên doanh, 8 công ty cổ phần (trong đó có 4 công ty có vốn nhà nước), 4 công ty TNHH (có 2 công ty 100% vốn nước ngoài) và 1 DN tư nhân. Tổng diện tích đất được phép cho thuê tại các KCN của tỉnh hiện nay là 5.337,5ha, diện tích đất đã cho thuê là 2.579,6ha đạt tỷ lệ lấp kín bình quân là 49,3%. Đã có, 23 KCN đi vào hoạt động, số còn lại đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 11 KCN đạt tỷ lệ lấp kín trên 90% là: Sóng Thần I, II, Đồng An, Bình Đường, Việt Hương, Tân Đông Hiệp A, Việt Nam - Singapore 1, Mỹ Phước 1+2, Bình An. Tính đến nay đã có trên 1.280 dự án đầu tư vào các KCN, gồm 984 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (với tổng vốn 6.434 triệu USD) và 296 DN trong nước (vốn đăng ký 7.412 tỷ đồng). Số dự án đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động là 592 dự án, đạt 65% tổng số dự án và tổng vốn thực hiện đạt khoảng 41,4% tổng vốn đăng ký; đầu tư trong nước có 194 dự án đi vào hoạt động, đạt 67% tổng số dự án và tổng vốn thực hiện đạt khoảng 73% tổng vốn đăng ký. Ngành nghề đầu tư trong các KCN rất đa dạng: khoảng 30% số dự án đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt, may, da giày và chế biến gỗ; các ngành hóa chất (gồm cả hóa dược), cao su chiếm 26%; luyện kim và sản phẩm kim loại chiếm 6%, cơ khí chế tạo, điện tử: 20%, chế biến thực phẩm 7%. Đã có 786 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt 66% số dự án/DN đăng ký. Các KCN đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. DN trong các KCN đóng góp từ 60-65% giá trị sản xuất công nghiệp, 34% kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của tỉnh. Các DN FDI trong các KCN đã góp phần lớn trong việc nâng cao năng lực sản xuất mới trong các ngành công nghiệp then chốt. Tổng số lao động hiện đang làm việc trong các KCN là 222.416 người, chiếm 52% lao động công nghiệp toàn tỉnh. Lực lượng lao động trong các KCN có trình độ lao động cao hơn mặt bằng chung lao động công nghiệp của tỉnh. Quy hoạch đến năm 2020 Bình Dương xác định, từ nay đến năm 2020, công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh trong đó các KCN đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ lao động địa phương và bảo vệ môi trường. Phát triển các KCN theo hướng hình thành chuỗi các KCN cùng với sự phát triển các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết cho toàn khu vực, góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh một cách đồng bộ. Quy hoạch các KCN của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển vùng theo hướng kết nối với hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển… trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các KCN cần tập trung thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, ít thâm dụng lao động, ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chuẩn bị đất sạch KCN ở phía Bắc tỉnh để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư khi chùm đô thị Nam Bình Dương hình thành và phát triển. Khi đó, do yêu cầu ngày càng cao về môi trường, các doanh nghiệp buộc phải di dời lên phía Bắc tỉnh nếu không đạt yêu cầu về đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Phát triển các KCN phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống các loại tội phạm, đồng thời quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến đội ngũ công nhân lao động và bảo vệ môi trường. Mục tiêu phát triển:Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2010 chiếm 65,5%, đến năm 2015 chiếm 62,9%, đến năm 2020 chiếm 55,5%.Phấn đấu tỷ lệ lấp kín bình quân các KCN hiện có của tỉnh đến năm 2010 đạt trên 60%.Phấn đấu 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc được chứng nhận ISO 14000.Đảm bảo tất cả các KCN khi đi vào hoạt động đều phải thực hiện đúng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Kiểm soát 100% các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tất cả các DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh được xử lý triệt để.Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, chú trọng quản lý chất thải, đặc biệt là quản lý chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 thu gom được 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp. Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, sẽ mở rộng thêm diện tích của 3 KCN trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích tăng thêm so với trước là 2.087ha. Tổng diện tích sau khi điều chỉnh mở rộng là 3.631ha. Từ nay đến năm 2015 thành lập mới 8 KCN với tổng diện tích 6.113ha. Hiện trạng đất chủ yếu là đất trồng cao su đến kỳ thanh lý, không có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa. Điều chỉnh, bổ sung các KCN trên địa bàn giai đoạn từ năm 2015-2020: Từ năm 2015-2020, thành lập thêm 3 KCN với tổng diện tích 2.680ha, chủ yếu là đất trồng cây công nghiệp lâu năm, không có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa. Như vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Bình Dương điều chỉnh mở rộng diện tích 3 KCN với tổng diện tích sau điều chỉnh l 3.631ha, tăng 2.087ha. Bổ sung quy hoạch thành lập mới 11 KCN với 8.793ha, nâng tổng số KCN của tỉnh Bình Dương lên 39 KCN với tổng diện tích 19.834,5ha. Việc phát triển các KCN như trên là phù hợp với quá trình lan tỏa kinh tế từ vùng Nam Bình Dương lên phía Bắc. Các KCN đóng vai trò làm động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội của vùng Bắc Bình Dương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đồng thời xây dựng và hiện đại hóa các đô thị của các huyện mới của tỉnh trong tương lai là Bắc Bến Cát, Bắc Tân Uyên và 2 huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./. Thạc sĩ Từ Thiện Khiêm - UBND tỉnh Bình Dương

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/6643/seo/quy-hoach-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-tinh-binh-duong-den-nam-2020/language/vi-vn/default.aspx