Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đặt trong mối liên kết cộng hưởng lợi thế vùng

Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia, đồng thời đưa ra yêu cầu về thống nhất nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng người dân và doanh nghiệp, đổi mới tư duy về phát triển và liên kết vùng.

Tỉnh Phú Thọ có vị trí chiến lược là cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc của Tổ quốc với Thủ đô Hà Nội; nằm trên trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng và vùng Thủ đô; thuộc hành lang kinh tế tiềm năng Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ. Từ lợi thế này, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội bứt phá phát triển trong thời gian tới, hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc; trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc...

Tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Ngày 05/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, là sản phẩm kết tinh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, thể hiện khát vọng, ý chí và tầm nhìn dài hạn phát triển tỉnh. Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng trên cơ sở đánh giá một cách tổng thể, toàn diện và khách quan hiện trạng phát triển của tỉnh các giai đoạn trước; phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Quy hoạch tỉnh đã định hình những nét lớn của từng ngành, lĩnh vực chủ lực cũng như phân bố không gian lãnh thổ phát triển.

Nội dung của Quy hoạch tỉnh có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển, đã được rà soát và đều chỉnh phù hợp với Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị. Quy hoạch tỉnh là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050 là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”.

Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2040.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, tỉnh Phú Thọ xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm: Xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Hai hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây; trọng tâm là hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn, tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ba đột phá phát triển: Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; cải cách hành chính và tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bốn nhiệm vụ trọng tâm: Phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở một số lĩnh vực có lợi thế.

Hành lang công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ thúc đẩy phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 22 đô thị, nâng tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30- 32%; phát triển 12 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.095ha; đồng thời phát triển 40 - 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng trên 2.500ha. Phát triển các khu vực có vai trò động lực, trong đó tập trung vào hai tuyến hành lang kinh tế dọc hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Bắc - Nam phía Tây, hình thành các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh giải pháp trọng tâm là giải pháp về huy động vốn đầu tư (dự kiến tổng mức vốn trong cả thời kỳ khoảng 800 nghìn tỉ đồng) để bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh.

Nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Phú Thọ trong mối liên kết vùng, cần tạo cơ chế kết nối hiệu quả, phát huy được lợi thế “cộng hưởng” trong việc thực hiện các liên kết của tỉnh với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là liên kết phát triển trên các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, kinh tế, thương mại, logistics, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh. Để phát huy vai trò của các mối liên kết vùng trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy việc liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển vùng (thông qua các Hội đồng điều phối vùng) đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả, tạo không gian phát triển thống nhất cho các địa phương trong vùng. Tỉnh Phú Thọ tăng cường liên kết vùng, khai thác hiệu quả và phát huy vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, triển khai thực hiện cơ chế chính sách mới, chủ động đề xuất các kế hoạch, chương trình, dự án hợp tác giữa các địa phương nhằm tạo đột phá để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố về vai trò của liên kết vùng. Tỉnh Phú Thọ xác định liên kết vùng nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực,... chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp, phân công giữa các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc để triển khai theo các chương trình, dự án của vùng; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình phát triển, cần đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, phân công rõ ràng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương đối với sự phát triển của vùng nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh việc cạnh tranh, phát triển tự phát của các địa phương; liên kết để phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn vùng Đồng bằng sông Hồng; tăng cường liên kết, chia sẻ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng- an ninh trong vùng và cả nước.

Thứ tư, tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh Phú Thọ với các tỉnh trong vùng, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, với cả nước và quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh và vùng.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương và cả vùng nhằm thu hút các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; thống nhất với Quy hoạch tổng thể của quốc gia, của vùng, phù hợp với chiến lược phát triển nhanh và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Như vậy, thông qua sự liên kết toàn diện giữa các tỉnh vùng giúp các địa phương cùng phát triển và sự cộng hưởng này có thể dẫn tới sự phát triển đột phá, để vùng Trung du và miền núi phía Bắc bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác trong thời gian tới.

Trịnh Thế TruyềnTỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/quy-hoach-kinh-te-xa-hoi-tinh-phu-tho-dat-trong-moi-lien-ket-cong-huong-loi-the-vung/209381.htm