Quy hoạch, khai thác tài nguyên – khoáng sản ở Hà Tĩnh – những điều bất cập.

(CL)- Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và vấn đề quản lý – khai thác tài nguyên - khoáng sản trên một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh có nhiều biểu hiện sai phạm.

I: Vi phạm trong việc giao đất, cấp GCNQSDĐ.

Người cần đất để xây nhà ở thì không có đất, người được giao đất thì để đất trống hoặc không có nhu cầu xây; xã lập hồ sơ khống tự ý cấp bán đất trái thẩm quyền, thu chi sai mục đich; cán bộ địa chính gây khó khăn, sách nhiễu nhân dân…Đó là những vấn đề nổi cộm xẩy ra trong một thời gian dài liên quan đến vấn đề làm thủ tục giao đất, cấp GCNQSDĐ ở một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh

Bất cập trong quy hoạch

Tình trạng trùng lặp quy hoạch, quy hoạch treo, sai sót trong quy hoạch chậm được xử lý đã ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nhu cầu cấp đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân ở đây. Một số khu vực quy hoạch chi tiết cấp đất, đấu giá đất ngay trong thành phố còn manh mún, đấu nối giữa quy hoạch cũ và mới không đồng bộ. Tại một số địa phương, nhu cầu đất ở của người dân đang rất lớn nhưng quỹ đất để quy hoạch, cấp cho dân thì lại không còn. Như: Thị trấn Xuân An – huyện Nghi Xuân còn 600 đơn xin cấp đất ở chưa có quỹ đất để bố trí; xã Thạch Bằng – huyện Thạch Hà và nhiều địa phương khác, nhu cầu chính đáng về đất ở của người dân cũng chưa được giải quyết.

Trong khi đó, tình trạng được giao đất nhưng chưa làm nhà hoặc được giao rồi chuyển nhượng cho người khác xảy ra ở không ít nơi. Từ năm 2004 đến nay, xã Xuân Thành – huyện Nghi Xuân, số diện tích đất được giao chỉ có 20% làm nhà ở, 10% chuyển nhượng cho người khác, còn 70% bỏ trống. Ở TP.Hà Tĩnh, chưa có phường, xã nào sử dụng quá 50%, diện tích đất đai trong quy hoạch, đặc biệt ở một số khu vực, con số này dưới 5%. Tình trạng người thật sự cần đất ở thì không có, người được giao đất thì chưa hoặc không có nhu cầu làm nhà ở. Đây đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân.

Tiêu cực trong giao đất

Tại một số xã, việc thực hiện quy trình xét giao đất ở chưa thật sự công khai, còn quá nhiều tiêu cực.Việc thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ chưa được lãnh đạo chính quyền quan tâm. Một số cán bộ địa chính cấp xã còn hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn nhưng lại có biểu hiện gây khó khăn, sách nhiễu đối với nhân dân. Đặc biệt, xã Thạch Vĩnh – huyện Thạch Hà, sau khi được xét duyệt cấp lại giấy chứng nhận mới QSDĐ, nhưng do người dân không xuất trình được bìa cũ, nên cán bộ địa chính đã tự ý giữ lại trên 300 GCNQSDĐ mà không đề xuất một biện pháp xử lý nào lên cấp trên.

Tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân còn chậm, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. Một số xã như: Cẩm Lạc ( huyện Cẩm Xuyên) tỷ lệ cấp GCNQSDĐ chỉ đạt 15%, có những thôn có đến 170 hộ dân thì chỉ mới 10 hộ được cấp giấy chứng nhận; xã Hà Linh (huyện Hương Khê) tỷ lệ cấp mới chỉ 26%; cá biệt có những thôn, xóm đến nay 100% hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ.

Cấp, bán đất trái thẩm quyền

Tại Thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), từ 1994 – 2009 UBND xã đã cấp bán trái thẩm quyền 309 lô đất, sử dụng nguồn thu từ cấp bán đất sai mục đích. Chủ tịch và cán bộ địa chính ký nhiều bộ hồ sơ để hợp thức hóa việc giao đất trước tháng 7/2004, thu tiền đất nhưng không lập chứng từ thu chi theo quy định, không làm thủ tục giao đất cho người đã nộp tiền đất. Nhiều xã giao đất trái thẩm quyền, liên tục trong thời gian dài, như Thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), xã Thạch Vĩnh (huyện Thạch Hà), xã Thịnh Lộc ( huyện Can Lộc)… Điều đáng nói, UBND xã không giải quyết các tồn đọng cũ mà còn tiếp tục giao đất trái thẩm quyền, phát sinh vấn đề mới.

Gần đây nhất là vụ một số lãnh đạo xã Xuân Viên – huyện Nghi Xuân đã bán “chui” gần 50 lô đất mặt tiền đường An - Viên - Mỹ cho người thân, thậm chí cho cả người ngoài huyện, nhưng không thông báo rộng rãi và tổ chức đấu giá. Một số lãnh đạo chủ chốt của xã mua từ 4-8 lô đất rồi bán trao tay cho người khác, kiếm lợi hàng trăm triệu đồng…

II: Quy hoạch, quản lý tài nguyên - khoáng sản còn nhiều sơ hở.

Cấp phép khai thác cho nhiều mỏ cùng loại tập trung quá nhiều ở một địa bàn; doanh nghiệp không đủ năng lực để khai thác sau khi được cấp phép. Một số địa phương để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn trong một thời gian dài nhưng không có biện pháp xử lý…

Thiếu thận trọng từ khâu cấp phép

Đó là việc cấp phép khai thác cho nhiều mỏ cùng loại tập trung trên một địa bàn. Ở huyện Kỳ Anh, trong tổng số 61 mỏ được cấp phép thì có đến 52 mỏ khai thác đá, tập trung ở một số xã như: Kỳ Phương 15 mỏ, Kỳ Tân 12 mỏ. Một số mỏ đá sát nhà dân, trường mầm non (xã Hương Trạch - Hương Khê), hoặc sát với diện tích đất sản xuất nông nghiệp (xã Kỳ Tân – Kỳ Anh) trong quá trình khai thác đã gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Một số điểm mỏ thuộc vùng danh lam thắng cảnh, khai thác đất đá nham nhở, làm ảnh hưởng đến cảnh quan văn hóa và tâm linh (Khu vực Núi Hồng – Thị xã Hồng Lĩnh; khu vực Đền Chiêu Trưng - Thạch Hà)…

Khi cấp phép khai thác tài nguyên - khoáng sản chưa xem xét một cách chặt chẽ, khâu thẩm định về năng lực thực sự của doanh nghiệp chưa dược quan tâm đúng mức. Do vậy, đã có doanh nghiệp không đủ năng lực mọi mặt để tiến hành các hoạt động khai thác mỏ sau khi được cấp phép nên bán lại mỏ cho doanh nghiệp khác. Một số doanh nghiệp, đã hết thời hạn cấp phép mà vẫn chưa đi vào hoạt động. Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh, hiện có 60 mỏ được cấp phép nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động với muôn vàn lý do khác nhau.Chỉ tinh riêng địa bàn huyện Kỳ Anh đã có 32/61 mỏ được cấp phép nhưng chưa đi vào khai thác.

Yếu kém trong quản lý

Một số doanh nghiệp, tổ chức do năng lực khai thác hạn chế, chế biến không đảm bảo nên sau khi được cấp mỏ đã ngầm chuyển nhượng cho người khác theo hình thức thay đổi trong Giấy đăng ký kinh doanh hoặc thuê lại đơn vị khác khai thác, làm cho giá thành sản phẩm (vật liệu xây dựng) bị đẩy lên cao hơn so với các tỉnh lân cận. Một số doanh nghiệp chưa khai thác triệt để được quặng nghèo, các thành phần có ích đi kèm trong quặng; trình độ công nghệ chế biến chưa cao.

Nhiều mỏ khai thác không đúng theo thiết kế, nhất là đối với các mỏ đá xây dựng. Trong quá trình khai thác, vận chuyển gây bụi, để rơi vãi trên đường đã tác động xấu đến môi trường nhưng không được nhắc nhở, sửa chữa. Nhiều địa phương để tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép xảy ra liên tục, trong một thời gian dài nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Như hàng chục mỏ khai thác đá chui ở các xã Mỹ Lộc, Xuân Lộc, Sơn Lộc (huyện Can Lộc), khai thác cát trái phép trên Sông La, khai thác đất ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, khai thác cát trộm ở mỏ cát Truông Vùn (Xã Thịnh Lộc – huyện Lộc Hà)…

Bên cạnh đó, tình trạng chậm, nợ thuế và phí đang diễn ra ở một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, cá biệt có những doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng như Công ty cổ phần 999 nợ thuế hơn 1 tỷ đồng.

Nhóm phóng viên Bắc miền Trung

“Theo tài liệu thăm dò và phát hiện của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Tĩnh có 81 mỏ và điểm khoáng sản với gần 30 loại. Hiện có đến 163 tổ chức tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có: 1 Tổng C.ty nhà nước; 3 DN nhà nước; 83 C.ty cổ phần; 45 C.ty TNHH; 20 DN tư nhân và 11 hợp tác xã”.
Những vấn nạn trên đã được phát hiện trong quá trình giám sát và báo cáo tại phiên họp của HĐND tỉnh Hà Tĩnh gần đây, song thực tế vẫn còn nhiều bất cập, khó giải quyết. Bởi Hà Tĩnh là một trong những địa phương có chỉ số thu hút đầu tư cao, nhiều dự án lớn, công tác xây dựng NTM đang được đẩy mạnh, đòi hỏi một số lượng rất lớn vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi…Nếu chính quyền và các cơ quan quản lý các cấp không quan tâm đúng mức khâu cấp phép và quản lý cũng như thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp thì tình trạng vi phạm nói trên vẫn sẽ tiếp tục tái diễn.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2012/9/9938E3054D08ADE2/