Quy định về tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh

Ngày 15/5/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BQP quy định tiêu chuẩn tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/7/2014). Ngày 11/11/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 83/2023/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2014/TT-BQP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/11/2023). Trong đó, có quy định về tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh như sau:

Ảnh: minh họa

Thứ nhất, về nguồn lựa chọn, gồm:

- Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi là thôn); trưởng các đoàn thể ở thôn, thôn đội trưởng, trung đội trưởng dân quân tự vệ.

- Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam sinh hoạt tại nơi cư trú.

- Cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

- Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhân chứng lịch sử.

Thứ hai, về tiêu chuẩn:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền viên.

- Có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong nhân dân.

- Có kiến thức, hiểu biết về quốc phòng và an ninh.

- Được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh và được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

- Đối với tuyên truyền viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài tiêu chuẩn trên phải thông thạo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Thứ ba, về thẩm quyền công nhận:

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định công nhận.

Thứ tư, về yêu cầu hoạt động:

- Tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Đúng kế hoạch, nội dung và nhiệm vụ được giao.

- Nội dung tuyên truyền, phổ biến phải đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Dễ hiểu, có sức thuyết phục, phù hợp với từng đối tượng.

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định việc thôi công nhận tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường hợp họ bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên; vi phạm Điều 9, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm sau: Lợi dụng hoạt động giáo dục quốc phòng và an ninh để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở việc thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; các hành vi khác theo quy định của pháp luật).

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-ve-tuyen-truyen-vien-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-post470934.html