Quy định về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết

Tiếp theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 32, sáng 17/4, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 03 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Hồ sơ dự án Luật kèm theo 07 dự thảo Nghị định và 07 dự thảo Thông tư quy định chi tiết theo đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình tiếp thu, giải trình các nội dung, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy định chi tiết để các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời với Luật, bảo đảm chất lượng.

Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.

Về đối tượng áp dụng, có ý kiến cho rằng, thuật ngữ "cá nhân Việt Nam", "cá nhân nước ngoài" quy định tại Điều 2 chưa phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý.

Quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, như Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ trương, đường lối tại các văn bản khác của Đảng. Dự thảo Luật cũng phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật.

So với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định "Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước" thành "Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân" (khoản 1 Điều 4). Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu.

Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Điều 9 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cơ bản phù hợp với các điều ước quốc tế và đã khắc phục hạn chế của Luật Di sản văn hóa hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định về loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần bám sát hơn nữa Công ước quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể năm 2003, đồng thời quy định cụ thể tiêu chí xác định các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Điều 10 dự thảo Luật xác định mốc thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương 05 năm một lần và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần. Có ý kiến đề nghị cân nhắc về tính khả thi trong quá trình thực hiện kiểm kê đối với quy định về mốc thời gian. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ sở, lý do và sự phù hợp, tính khả thi của quy định mốc thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.

Quang cảnh phiên họp sáng 17/4

Về chính sách đối với nghệ nhân (Điều 13), qua khảo sát thực tế cho thấy, có nhiều bất cập trong quy định về chính sách công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 02 nghị định của Chính phủ và giao 02 Bộ phụ trách (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Công Thương xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ).

Tuy nhiên, quy định về đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 02 nghị định chưa phân định rõ ràng.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có quy định khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về việc tôn vinh, tuyên truyền, giáo dục các danh nhân văn hóa thế giới.

Quy định về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết

Về hệ thống bảo tàng Việt Nam (Điều 61), có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định bảo tàng số, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận, ghi danh và việc ứng dụng khoa học, công nghệ trên các lĩnh vực đời sống xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Về xếp hạng bảo tàng, tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng (Điều 66, Điều 67), Điều 66 dự thảo Luật quy định bảo tàng công lập được xếp hạng I, II, III, không quy định xếp hạng đối với bảo tàng ngoài công lập nhưng các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật chưa phân tích, đánh giá đầy đủ cơ sở, lý do không xếp hạng bảo tàng công lập.

"Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ mục đích, sự cần thiết của việc xếp hạng bảo tàng công lập, các chính sách cho việc xếp hạng; nghiên cứu phương án trong trường hợp bảo tàng ngoài công lập có nhu cầu, đề nghị được xếp hạng. Đồng thời, tiếp tục rà soát về tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng để phù hợp với mục đích, phát huy hiệu quả của việc xếp hạng bảo tàng" - ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định lĩnh vực đầu tư, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu và phân loại về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP, theo đó lĩnh vực văn hóa không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Điều 89 dự thảo Luật Di sản văn hóa quy định bổ sung một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, quy định về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết nhưng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bảo đảm phù hợp, đầy đủ, thống nhất và khả thi.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng hình thức hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì trên thực tế, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thường không vì mục đích lợi nhuận, khó huy động được các thành phần kinh tế khác tham gia hình thức hợp tác này

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/quy-dinh-ve-hop-tac-cong-tu-trong-hoat-dong-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-la-can-thiet-20240417084500519.htm