Quy định cũ 'làm khó' các trường nội trú

Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà được nâng cấp thành lập theo Quyết định 2672 ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh. Bên cạnh chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh THCS và THPT, nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; giáo dục kỹ năng sống và giáo dục hướng nghiệp cho con, em đồng bào các dân tộc.

Cô giáo Lưu Thị Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh theo Thông tư 109 đã tạo động lực cho con, em đồng bào các dân tộc trong huyện đang học tập tại trường yên tâm rèn luyện, tu dưỡng. Tuy nhiên, trong triển khai Thông tư 109 tại trường còn không ít bất cập, bởi những quy định lỗi thời.

Cụ thể, Thông tư 109 quy định chi trả chế độ trang cấp ban đầu cho học sinh trường dân tộc nội trú, gồm chăn, màn, chiếu, áo bông, áo mưa… Tuy nhiên, việc trang cấp này chỉ thực hiện 1 lần vào năm học đầu cấp. Có nghĩa là 1 học sinh bước vào trường THCS dân tộc nội trú học tập (lớp 6) được cấp áo bông, áo đồng phục, chăn, màn, chiếu để sử dụng trong 4 năm học. Tương tự, học sinh THPT dân tộc nội trú phải sử dụng trong cả 3 năm học.

Thực tế cho thấy, do thời tiết nóng ẩm, thói quen sử dụng dẫn đến đồ dùng sinh hoạt (chiếu, màn, chăn) dễ bị hỏng, nên rất khó để học sinh sử dụng trong suốt quá trình học tập tại trường. Đối với áo bông, áo đồng phục, học sinh đang tuổi phát triển nên sau mỗi năm học không thể sử dụng lại.

Những chính sách hỗ hợ đã lỗi thời không chỉ gây khó khăn đối với Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà mà còn với tất cả các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Qua tìm hiểu tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát, nhà trường đang phải loay hoay với việc chi hỗ trợ học sinh. Cụ thể, việc chi trả chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh của trường vẫn đang thực hiện theo Thông tư 109, học sinh được hưởng mức học bổng hằng tháng bằng 80% mức lương cơ sở để chi trả cho tiền ăn và sinh hoạt. So với mức lương hiện tại, mỗi em đang được nhận 1.192.000 đồng/tháng, không phân biệt học sinh lớp 6 hay lớp 9, dù chế độ dinh dưỡng khác nhau. Như vậy, việc cấp sinh hoạt phí cho học sinh ở cùng 1 mức học bổng là không hợp lý.

Không chỉ học sinh mà chính sách hỗ trợ theo Thông tư 109 cũng gây thiệt thòi cho giáo viên. Cô giáo Vương Thị Nguyên, Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát cho rằng, Thông tư 109 không hỗ trợ giáo viên, học sinh trường nội trú tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài trường học. Ngoài ra, giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi không được tính chế độ, giáo viên dạy ôn thi cũng được trả chế độ thấp, chỉ 70.000 đồng/tiết học.

Toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh tại một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, thanh tra cho thấy, các trường đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về tuyển sinh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của Nhà nước hỗ trợ đối với học sinh. Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian qua, Thông tư 109 đã góp phần tích cực trong công tác giáo dục tại các trường dân tộc nội trú. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thay đổi từ giá cả thị trường, mức sống đến điều kiện sinh hoạt... Trong khi đó, Thông tư 109 được xây dựng từ năm 2009, tức là cách đây đã 14 năm không tránh khỏi những bất cập.

Từ những khó khăn, Ban Dân tộc đã báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền liên quan xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 109 cho phù hợp với thực tế.

Cụ thể, nâng mức hưởng học bổng cho học sinh bằng 100% mức lương cơ sở; mỗi năm học sinh được cấp 1 áo ấm và 2 bộ quần áo đồng phục (dài tay, ngắn tay); học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 2 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp tết và dịp nghỉ hè; sửa đổi mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn tập thể từ 50.000 đồng/học sinh/năm thành 10% mức lương cơ sở/học sinh/năm (do giá cả thị trường hiện nay chênh lệch so với năm 2009; hơn nữa, mức tiền lương tối thiểu năm 2009 là 540.000 đồng, được hỗ trợ 50.000 đồng là tương đương 9,26% mức lương tối thiểu; với cách tính mức bằng 10% mức lương cơ sở sẽ bảo đảm tính ổn định lâu dài).

Hy vọng, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường dân tộc nội trú.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365896-quy-dinh-cu-lam-kho-cac-truong-noi-tru