Quốc thể - sự kết tinh và đỉnh cao phát triển của văn hóa Việt Nam - nhìn từ sứ mệnh mỗi một con người

(Tiếp theo và hết)

III - Quốc thể tỏa sáng bắt đầu từ sự tỏa sáng của văn hóa mỗi một con người

Thể diện cá nhân chính là danh dự, sự tự hào của cá nhân về những giá trị cá nhân và xã hội mà cá nhân hàm chứa và thể hiện dù trong nước hay ở ngoài nước. Khi một người đã có thể diện cá nhân tức là tư cách và danh dự, cái làm cho người khác qua đó và từ đó coi trọng bản thân họ, khi sống và giao tiếp ở trên đời, trực tiếp làm nên quốc thể Việt Nam.

Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi người cần thiết tự mình:

Giữ lấy liêm sỉ cá nhân. Nếu mỗi người không có liêm sỉ, nói như cổ nhân, thì không thành người được. Không nuôi dưỡng liêm sỉ, lương tri, nó sẽ chết dần chết mòn. Khi đó, những thứ khác - những thứ trong lòng người khi không còn bị đạo đức luân lý trói buộc - chúng sẽ khuynh đảo và có thể nuốt chửng con người. Nếu bản thân mỗi người vứt bỏ cái tự tôn (mà hiện nay không ít người cho rằng nó “không đáng một xu kia”(!) để mưu chiếm đoạt lợi ích kinh tế đơn thuần, chức quyền chính trị bằng mọi giá), nhưng với những người có liêm sỉ không thể và không bao giờ làm được. Họ không thể cúi đầu, không thể khom lưng, không thể quỳ gối trong giao tiếp hay bang giao ở ngoài lãnh thổ, vì sự liêm sỉ hay lòng tự trọng ở họ rất lớn, lớn đến mức buộc họ phải thẳng lưng, ngẩng cao đầu sống và khẳng định cá nhân mình và không làm nhục quốc thể. Nếu không còn lòng tự trọng, không còn lương tri, không còn liêm sỉ, thử hỏi chúng ta sẽ còn gì nữa?

Giữ thể diện cho người cũng chính là tăng thể diện cho chính mình. Rất nhiều người cứ thích tự tôn mình thái quá, thậm chí ái kỷ, rồi hạ thấp, thậm chí công kích, cho mình cái quyền xỉ vả người khác, từ chỗ khiến họ mất mặt rồi tới vạch trần nhau, đối địch nhau thành kẻ thù… Người thông minh không nói lời kết luận chắc chắn, không nói những lời đoạn tuyệt, cũng không nói đến mức khiến đối phương không còn đường lui, thậm chí “bẽ mặt”, rồi “mất mặt”. Làm như thế nhất định gây tổn hại rất lớn đến lòng tự tôn, làm mất đi thể diện - một điều tối kỵ, nhất là đối với người nước ngoài trong giao lưu hợp tác kinh tế hay chính trị hay trong các mối bang giao quốc tế. Là con người, ai cũng có lòng tự trọng. Ngay người hành khất trên đường cũng không muốn bị ai dè bỉu, xem khinh, hạ thấp, khi họ xin ăn. Người có tầm nhìn xa sẽ không chỉ giao tiếp có mực thước, gìn giữ các mối quan hệ tốt đẹp, mà còn biết suy nghĩ cho người khác, biết giữ gìn cho người khác, thậm chí cả đối phương một khoảng không gian riêng, một thể diện cá nhân riêng. Nghĩa là thấm đẫm văn hóa.

Giữ thể diện cho người cũng là nâng cao bản thân mình. Giữ thể diện cho người là yếu tố quan trọng trong giao tiếp, nhưng tiếc rằng chỉ có rất ít người suy nghĩ thận trọng về vấn đề này. Nhiều người thường thích ra vẻ ta đây, muốn gì làm nấy, bắt bẻ, dọa nạt… Trước mặt nhiều người, họ thường chỉ trích và hạ thấp người khác, không quan tâm rằng điều ấy có gây thương tổn lòng tự trọng của họ hay không. Thực ra, họ vô tình hoặc không biết rằng, thử đặt mình vào vị trí của đối phương, nói như cổ nhân: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (nghĩa là: Điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác) thì có thể câu chuyện về thể diện của mình và tất nhiên cả của người khác lại rất khác rồi.

Tựu trung lại, "thể diện" là gì? Nó là bộ mặt, là diện mạo, là gương mặt con người. Hình dung một cách hình ảnh, chung quanh thể diện, rất nhiều góc nhìn. Do đó, nếu hình dung cái "mặt" ấy sẽ có một đường ranh giới. Nếu rơi xuống phía dưới đường ấy tức là mất thể diện, cũng gọi là "bẽ mặt". Kẻ nào không sợ "bẽ mặt", tức là "muối mặt", mà cái nghĩa "bẽ mặt" thì lại tùy người, rất không giống nhau. Trái lại, nếu làm được việc gì vượt lên trên đường ấy, thì là "có thể diện", hơn nữa là "mở mặt". Quốc thể hay không nằm ở chính làn ranh rất mỏng manh này trong việc thực thi ngang tầm sứ mệnh văn hóa cá nhân hay không của mỗi một con người!

Vì, trên đời, cái điều luật “mở mặt” hay "bẽ mặt" lại càng có ý nghĩa to lớn, nhất là đối với những người thân mang trọng trách, nắm giữ vận mệnh quốc gia, trực tiếp tác động và tạo hiệu ứng tức thời tới thể diện quốc gia xã tắc: Nếu không làm vẻ vang quốc gia, rạng rỡ dân tộc thì cũng không được phép làm hổ thẹn quốc gia, làm nhục quốc thể!

Đó chính là gương mặt văn hóa cá nhân - nhân tố làm nền văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc và cũng là công việc trọng đại của văn hóa hiện nay!

Tổng hòa lại, đó chính là chức năng thiên khải của “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và trở nên hùng cường trên nền móng văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc, trong tầm nhìn năm 2045: Rạng rỡ vị thế và danh dự Việt Nam!

Quốc thể Việt Nam bắt đầu từ văn hóa và trở về với văn hóa, trong sứ mệnh của mỗi một con người nhưng ở tầm vóc mới, rộng hơn và cao hơn.

Sự phát triển cao nhất của quốc thể Việt Nam chạm tới đỉnh cao nhất của chính trị và cũng đồng thời chạm tới tầng sâu nhất của văn hóa gắn với sứ mệnh của mỗi một con người. Và, quốc thể Việt Nam trở về với văn hóa, với mỗi người, như một lẽ tự nhiên. Vì, chính trị chính là văn hóa lúc này và cũng như của mọi thời đã qua và nhất định là sự bền vững của tương lai Việt Nam.

Và, Việt Nam không ngừng tỏa sáng!

TS. Nhị Lê
Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/128002/quoc-the-su-ket-tinh-va-dinh-cao-phat-trien-cua-van-hoa-viet-nam-nhin-tu-su-menh-moi-mot-con-nguoi