Quốc thể - sự kết tinh và đỉnh cao phát triển của văn hóa Việt Nam - nhìn từ sứ mệnh mỗi một con người

(Tiếp theo kỳ trước)

5 - Quốc bảo Việt Nam: Dân là gốc Nước

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Trên con đường phát triển, mỗi quốc gia, dân tộc, tất cả đều phải lựa chọn quốc sách và phương thức hành xử riêng, tùy điều kiện cụ thể của mình và thời đại. Và, chúng ta thấy, những sự lựa chọn khác nhau đã đưa các quốc gia, dân tộc phát triển rất khác nhau, thậm chí khoảng cách rất xa nhau. Nói một cách hình ảnh, đối với chúng ta, khi công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ bước sang nhịp sóng thứ hai, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, càng không thể chấp nhận bộ máy 1.0, lại càng không thể thừa nhận một thể chế trình độ 0.4.

Vì thế, muốn trở nên hùng mạnh và đi xa, nhất định phải lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, động lực và là nhân tố quyết định phát triển Việt Nam, dù ở bất cứ phương diện này hay thời kỳ kia. Nói cách khác, con người phải là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, vì và cho con người, chứ không phải ngược lại; với một thể chế tương dung. Đó là yêu cầu khách quan và nhu cầu của chính khâu đột phá của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững sẽ bàn định và xác quyết tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chính trị, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đạo đức! Đạo đức, lúc này, là hành động. Do đó, hành động lúc này đó chính là tôn vinh quyền lực của nhân dân trong việc cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị nước ta. Nó là “sự tự quy định của nhân dân”, “là sự nghiệp của bản thân nhân dân” (K.Marx); đòi hỏi “sự bình đẳng giữa những người công dân..., mọi người ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước” (V.I.Lenin). Nó càng cho thấy, không phải Nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước, phù hợp với nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Đó là Nhà nước do dân và nó có nhiệm vụ hướng tới phục vụ nhân dân, vì nhân dân, là sự nghiệp của bản thân nhân dân. “Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” (Hồ Chí Minh).

Hành động cao nhất lúc này là bảo vệ lợi ích của nhân dân là tối cao, quyền lợi của dân tộc là tối thượng! Xin nhắc lại: “Sông phía Bắc, biển phía Đông. Nếu không dân cũng là không có gì”. Lòng tin của nhân dân là nền móng vững bền của thể chế, là quốc bảo của chế độ, là tài sản vô giá của Đảng!

Nếu xem thời cơ là lực lượng hiện thực thì cuộc cách mạng công nghiệp mới này là lực lượng cho cả trăm năm. Không thể do dự, phải chủ động nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, nếu coi nhẹ con người; và như thế nhất định tụt hậu và vô phương cứu vãn. Hơn hết bao giờ, do đó, phải cấp bách lựa chọn ưu tiên và quyết liệt xây dựng, thực thi Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia - rường cột của khâu đột phá chiến lược phát triển con người. Đây chính là động lực căn bản mang tầm đột phá chiến lược để nắm lấy, làm chủ thời cơ với chủ thể phát triển chiến lược trong tầm nhìn 2045.

Nói gọn lại, phải xác lập tầm viễn kiến, xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia và đây chính là Quốc sách phát triển quốc gia hiện nay và tương lai.

Lòng Dân, sức Dân - Quốc bảo phát triển Việt Nam nằm ở chính đây! Đây chính là nhân tố bất biến chiến lược để ứng với mọi khả biến trên con đường Việt Nam phát triển.

6 - Quốc tín Việt Nam: Thủy chung, hòa mục, tín nghĩa, nhân văn

Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có nét đặc trưng rất riêng và đáng được tôn trọng, mọi so sánh đều không công bằng và khó tránh có sự thiên vị. Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì? Có phải là bởi đất đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không? Chắc hẳn là không. Người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Không có và không thể so sánh, đánh giá về nền văn hóa này cao hay nền văn hóa kia thấp, chỉ có những nền văn hóa khác nhau. Càng tới lúc chúng ta và bất cứ ai đó cần hiểu rõ hơn về cả hai sự thật đó và tìm kiếm những liên kết mạnh mẽ, sâu sắc kết nối các nền văn hóa của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Lịch sử có từ lâu đời thường đọng lại trong tim của người đương thời.

Càng ra biển lớn càng cần có những phẩm chất cốt lõi riêng, những sức mạnh nội tại để tạo nên giá trị từ chính sự khác biệt. Những giá trị này không chỉ là thái độ sống mà còn định vị thương hiệu của một quốc gia trong xu hướng hội nhập toàn cầu.

Vào những lúc này, mắt ta phải nhìn xa trông rộng, phải tìm cách kết thân với những người có cùng mối lo âu để đồng tâm đối phó. Muốn vậy, chúng ta phải thiện chí thành tâm, đặt lợi ích quốc gia, vận mệnh Tổ quốc lên trước hết, trên hết.

Trong hội nhập toàn cầu, dân tộc ta khác, phong hóa, đất đai, vị thế của nước ta cũng rất khác. Vậy, hà cớ gì chúng ta phải bắt chước theo ai, phải lệ thuộc ai. Tham vọng bá quyền của thiên hạ gắn liền với âm mưu mở rộng biên giới quốc gia. Giờ việc chúng ta cần làm là hãy tự mình trở nên hùng mạnh mới có thể giữ được vẹn toàn cương thổ.

Vì, “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Hơn nữa, hiện nay, thế thời đã đổi, thế giới đã mở rộng muôn phương. Đoàn thuyền ra biển lớn phần đông đều đi theo một hướng. Và hướng đi ấy phù hợp với quy luật phát triển của một thế giới mới với những tư duy mới. Phải dũng cảm buông bỏ mọi sự chuyển dịch vu vơ hay áp đặt vô lối để củng cố và phát triển bản sắc của mình, phải vứt bỏ sợi dây vô hình hay hữu hình đang trói buộc mình thì bàn tay, khối óc mới được giải phóng, sự độc lập và sáng tạo mới được thành tựu vẻ vang. Đó là tầm nhìn, là tư duy, là quyết sách… và đó chính là văn hóa.

Nếu như chỉ mê muội sùng kính những thứ người ta đã phải vứt bỏ đi, thì mãi lếch thếch lôi thôi theo sau người khác cũng là điều sẽ không tránh khỏi!

7 - Quốc sỉ Việt Nam: Quốc gia tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc đại đoàn kết - Tổ quốc tự cường

Mọi dân tộc đều có lòng yêu nước mãnh liệt, chỉ với một ngày kỷ niệm hằng năm, khi đối đầu với một quốc gia thù địch lâu đời, hoặc chỉ đơn giản là một câu nhận xét vu vơ, lòng tự tôn ấy lại trỗi dậy.

Nếu không bắt đầu từ lịch sử và triết học thì mối quan hệ của con dân với Tổ quốc, lòng yêu nước, rất khó để cắt nghĩa. Đó chính là sự vận động của văn hóa. Mối liên kết của mỗi người đối với tinh thần dân tộc cũng như văn hóa của nước nhà đều rất sâu sắc và độc đáo. Lòng yêu nước vẫn luôn tồn tại trong mỗi người. Mọi người ai cũng muốn có lòng tự tôn cao - nhưng trau dồi nó là một điều khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Nhiều người trong chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao cảm thụ của mình về giá trị của bản thân. Khi lòng tự tôn của chúng ta cao hơn, chúng ta không những cảm thấy tốt hơn về mình, mà chúng ta còn trở nên kiên cường hơn nữa. Rất hiếm thấy dân tộc nào như dân tộc Việt, vì dù bị hơn ngàn năm đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, rồi một thế kỷ thực dân cũ, mới… nhưng vẫn không “đồng hóa” được dân tộc này bởi lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã trở thành bộ gen di truyền của người Việt Nam.

Tuy lòng tự tôn cao là một điều tuyệt vời, nhưng việc nâng cao nó không phải là điều đơn giản. Sự tự tin thái quá - như những người ái kỷ - thì lại trở nên mong manh, rất dễ bị tổn thương. Đó chính là sự cân bằng của văn hóa.

Ý thức tự tôn dân tộc là ý thức về sự tồn tại vững bền, sức sống mãnh liệt của dân tộc, bảo vệ cội nguồn, đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước hết là những giá trị về lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo, về lòng nhân ái, khoan dung, hiếu học; tự hào về truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của dân tộc; tinh thần sẵn sàng bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tinh thần tự giác trong đề phòng, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn mọi âm mưu, hành động xâm phạm tới lợi ích của quốc gia dân tộc... Ý thức tự tôn dân tộc còn thể hiện ở sự tự giác sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, theo các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới có chọn lọc, giữ gìn và quảng bá hình ảnh và nét đẹp của dân tộc, tạo hình ảnh đẹp và tin cậy với bạn bè quốc tế trong giao lưu, hội nhập.

Sự kiện dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa và giành lại được độc lập sau gần một nghìn năm Bắc thuộc là một sự kiện hy hữu trên thế giới. Sau khi giành được độc lập, quá trình này được tiếp nối không chỉ ở các cuộc kháng chiến vệ quốc, mà còn ở các nỗ lực giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa ở các triều đại sau này. Cũng cần lưu ý rằng, chủ nghĩa dân tộc, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, như “là động lực lớn của đất nước... Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi... nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế” đóng vai trò như một chất keo quan trọng kết dính khối đoàn kết quốc gia.

Việt Nam sẽ không tồn tại mà thiếu đại đoàn kết dân tộc, và cho dù có phép màu kinh tế để năm 2045 trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao cũng sẽ không thành hiện thực nếu thiếu lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của hai thế hệ thứ năm, thứ sáu, thứ bảy tương lai, trên nền móng bốn thế hệ kể từ khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Chúng ta phải tự mình trở nên hùng cường!

Đó là nền móng để dân tộc Việt Nam tự tin trên hành trình phát triển cùng nhân loại.

Đó cũng chính là chiều sâu, là sức mạnh tiềm ẩn và hiện hữu của văn hóa tô thắm quốc thể Việt Nam!

(còn nữa)

TS. Nhị Lê
Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/127976/quoc-the-su-ket-tinh-va-dinh-cao-phat-trien-cua-van-hoa-viet-nam-nhin-tu-su-menh-moi-mot-con-nguoi