Quốc hội xem xét xử lý hình sự về vi phạm kinh doanh đa cấp

Đây là một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Bà Lê Thị Nga báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Tiềm ẩn hậu quả lớn

Trong chương trình làm việc hôm nay (ngày 24/5), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Mở đầu phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Theo bà Lê Thị Nga, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (dự án Luật). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo; lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học...

Thiên Ngọc Minh Uy là Công ty kinh doanh đa cấp có nhiều dấu hiệu vi phạm Nghị định 42. Ảnh internet.

Quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến vừa qua, đa sốý kiến đại biểu đề nghị bổ sung một điều luật mới về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề nghị không bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217aTội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo Quốc hội.

Thảo luận thêm tại Hội trường về nội dung này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa đưa vào dự thảo tội vi phạm về kinh doanh đa cấp bởi đây là hành vi vi phạm mới, chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ.

Có ý kiến khác với đại biểu Xuyền, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị phải bổ sung một điều luật để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh đa cấp. Bởi thực tế có nhiều vụ vi phạm vừa qua có số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, số người bị hại lên đến hàng chục nghìn người.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hòa Bình đề nghị bổ sung quy định rõ về việc xử lý với đối tượng vi phạm theo hướng xử lý những đối tượng có hành vi tổ chức, cầm đầu, những người tham gia theo hình thức bị lôi kéo, lừa đảo cần xem xét, nghiên cứu kỹ...

Xả 500 m 3 nước thải nguy hại/ngày bị xử lý hình sự?

Liên quan đến tội gây ô nhiễm môi trường, bà Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quan điểm nhất quán của nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt và phải bảo đảm phát triển bền vững. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành hữu quan đã chỉnh lý về tội gây ô nhiễm môi trường theo hướng “hạ định lượng về mức xả thải và hạ số lần vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường”.Kết quả tổng hợp ý kiến có 42/61 Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành quy định này.

Theo dự thảo, đối với nước thải, Điểm c khoản 3 Điều 235 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức định lượng từ 1.000 m 3 /ngày đến dưới 10.000 m 3 /ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 10 lần trở lên gắn với điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì mới xử lý hình sự. Nhưng theo dự thảo các mức định lượng này được hạ xuống từ 500 m 3 /ngày đến dưới 5.000 m 3 /ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến 10 lần;hoặc từ300 m 3 /ngày đến dưới 500 m 3 /ngàynước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên...

Đối với khí thải, dự thảo Luật cũng được sửa đổi tương tự theo hướng hạ mức định lượng về lượng khí thải và số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường...

Đề nghị tiếp tục quy định “thuốc lá lậu là hàng cấm”

Liên quan đến Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 của Bộ luật Hình sự năm 2015) và Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 của Bộ luật Hình sự năm 2015), theo bà Lê Thị Nga: Có ý kiến đề nghị không quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm tại Điều 190 và Điều 191 vì nhiều hàng hóa khác nhập lậu không bị xử lý là hàng cấm và thực tế hiện nay, trong một số trường hợp Nhà nước vẫn cho phép bán tại Việt Nam thuốc lá điếu có nguồn gốc nước ngoài; đồng thời Luật Đầu tư mới được sửa đổi đã quy định kinh doanh sản phẩm thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định “Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng;đồng thời, quy địnhthuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm.

Thực tiễn xử lý thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đang áp dụng Nghị định 124/2015/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Điều 155 của BLHS năm 1999 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm) để xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Vì vậy, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu đang diễn ra phổ biến hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và áp dụng Điều 190 và Điều 191 để xử lý như dự thảo Luật.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/quoc-hoi-xem-xet-xu-ly-hinh-su-ve-vi-pham-kinh-doanh-da-cap.aspx