Quốc hội Thụy Sĩ tìm cách nới lỏng kiểm soát xuất khẩu vũ khí

Ủy ban Chính sách An ninh của Quốc hội Thụy Sĩ hôm 11.5 đề nghị nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đối với trang thiết bị chiến tranh do Thụy Sĩ sản xuất để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng trong nước trong bối cảnh các nước láng giềng phương Tây kêu gọi nước này làm nhiều hơn để giúp Ukraine.

AP đưa tin, Ủy ban Chính sách An ninh của Thượng viện Thụy Sĩ đã thông qua một kiến nghị nhằm cho phép cơ quan hành pháp dỡ bỏ một số hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị chiến tranh “trong những trường hợp đặc biệt” và trong trường hợp được yêu cầu để đảm bảo an ninh quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách an ninh Thượng viện Werner Salzmann phát biểu trước Thượng viện. Ảnh: AP

Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách an ninh Thượng viện Werner Salzmann phát biểu trước Thượng viện. Ảnh: AP

Ủy ban này cũng thông qua một kiến nghị khác cho phép Luật Xuất khẩu trang thiết bị chiến tranh có thể được điều chỉnh để tạo điều kiện cho Thụy Sĩ xuất khẩu trang thiết bị quân sự đến đến các quốc gia “cam kết với các giá trị của Thụy Sĩ” cũng như có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tương tự như Thụy Sĩ, một văn bản do ủy ban cung cấp cho biết.

Kiến nghị cho phép các quốc gia mua vũ khí của Thụy Sĩ có thể tái xuất sau 5 năm trong một số giới hạn nhất định; chẳng hạn như duy trì lệnh cấm các nước tái xuất vũ khí sang các quốc gia vi phạm nhân quyền hoặc những nơi vũ khí có thể được sử dụng để chống lại thường.

Kiến nghị cũng nhấn mạnh, Thụy Sĩ sẽ áp dụng các tiêu chí nghiêm ngặt để bảo đảm không một vật liệu chiến tranh nào của nước này được sử dụng trong các cuộc xung đột phi nghĩa lý, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách an ninh Thượng viện Werner Salzmann cho biết. “Tuy nhiên, việc tái xuất khẩu vật liệu chiến tranh sang một quốc gia đang có chiến tranh có thể được thực hiện được nếu quốc gia này sử dụng quyền tự vệ của mình theo luật pháp quốc tế”, ông nói thêm.

Việc thông qua hai kiến nghị của các Ủy ban Chính sách an ninh của Thượng viện và Hạ viện gần như chỉ là một bước thủ tục, nhưng nó cho thấy những áp lực kinh tế và chính trị mà nhà lập pháp Thụy Sĩ phải đối mặt liên quan đến quan điểm trung lập của nước này.

Ủy ban An ninh đã xem xét chính sách trung lập quân sự lâu đời của Thụy Sĩ cùng các tác động của các quy định hạn chế xuất khẩu đối với các nhà thầu quốc phòng nước này. Trước đó, hồi tháng 1, Ủy ban An ninh Hạ viện cũng đã đưa ra một kiến nghị tương tự.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các quan chức chính phủ Thụy Sĩ phải đối mặt với lập trường trung lập lâu đời của đất nước họ, vốn được ghi trong Hiến pháp, theo đó nghiêm cấm nước này xuất khẩu vũ khí tới các vùng chiến sự đang hoạt động.

Quy định này cũng cấm các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Phần Lan đã mua vũ khí của Thụy Sĩ để tái xuất các mặt hàng đó sang các quốc gia đang có chiến tranh.

Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách an ninh Thượng viện Werner Salzmann, cho biết mối quan tâm chính của Ủy ban trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là đảm bảo khả năng tồn tại của ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Sĩ. Trong khi Thụy Sĩ duy trì quân đội của riêng mình và tất cả thanh niên đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhu cầu quốc phòng của đất nước không đủ lớn để ngành công nghiệp trong nước tồn tại và phát triển ở mức hiện tại.

Kiến nghị của Ủy ban dự kiến sẽ được trình ra phiên họp toàn thế của Quốc hội vào tháng tới mặc dù ông Salzmann cho biết bất kỳ thay đổi nào sẽ không thể có hiệu lực trước tháng 3.2024.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/quoc-hoi-thuy-si-tim-cach-noi-long-kiem-soat-xuat-khau-vu-khi-i327780/