Quốc hội thông qua nhiều Nghị quyết và thảo luận các dự luật quan trọng

CLO) Ngày 22/11/2016, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và buổi chiều cùng ngày Quốc hội tiếp tục thảo luận về luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

(

Thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

Với 449 số phiếu tán thành, chiếm 91,08% tổng số đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được Quốc hội chính thức thông qua. Theo Nghị quyết, thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Quốc hhội ngày 22.11 đã biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết và dự án Luật (VPQH)

Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Việc thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ áp dụng đối với công dân của những quốc gia có đủ các điều kiện: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Về phí cấp thị thực điện tử, Nghị quyết quy định: Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng. Phí cấp thị thực không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.

Thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là 2 năm, kể từ ngày 01/02/2017. Quốc hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đồng thời, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

Đối với các trường hợp người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử sẽ thực hiện theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cũng trong buổi sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều ý kiến tán thành việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ; tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc), việc xây dựng dự án Luật là cần thiết để khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn, phát triển kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi được xem là đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đây cũng là một “cú hích” để khu vực này trở thành động lực thực sự của nền kinh tế, đạt được mục tiêu đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Danh mục ngành nghề ĐTKD có điều kiện

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. 83,16% đại biểu Quốc hội tán thành ý kiến thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này như dự án Luật. Quốc hội tán thành với việc bổ sung kinh doanh pháo nổ vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết và dự án Luật ngày 22.11 (ảnh: VPQH)

Quốc hội cũng đồng ý thay thế phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bằng phụ lục 4 mới với danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Luật cũng quy định các ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Chính phủ sẽ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô. Luật này cũng bãi bỏ khoản 1 Điều 19 của Luật đấu thầu và Điều 151 của Luật xây dựng. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.

Quốc hội đồng ý dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Với trên 92% đại biểu đồng ý, cuối chiều 22/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đây là Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009. Dự án gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án một cách thận trọng, chắc chắn, và đúng quy định của pháp luật. Được biết, lí do chính của việc dừng thực hiện Dự án không phải với lí do công nghệ mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay. Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện thoại điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn, để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/quoc-hoi-thong-qua-nhieu-nghi-quyet-va-thao-luan-cac-du-luat-quan-trong/