Quốc hội Mỹ bất đồng về viện trợ vũ khí cho Israel

Với 224 phiếu thuận và 187 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm thế đa số thông qua dự luật mang tên Đạo luật Ủng hộ hỗ trợ an ninh Israel. Dự luật này nhằm buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden hủy bỏ quyết định tạm dừng chuyển vũ khí viện trợ Israel. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lập luận rằng, ông Biden không có quyền can thiệp vào chiến dịch quân sự của Israel.

Động thái nêu trên của Hạ viện Mỹ được đưa ra sau khi ông Biden quyết định hoãn đợt chuyển vũ khí viện trợ Israel, trong đó có nhiều bom với sức công phá mạnh, vì lo ngại những vũ khí này sẽ được sử dụng cho cuộc tấn công quy mô lớn nhằm thành phố Rafah ở miền nam Dải Gaza. Tổng thống Biden cũng đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah mà không có biện pháp bảo vệ dân thường.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện cho rằng, dự luật nêu trên xâm phạm khả năng thực hiện chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ. Dự luật này được dự báo sẽ không có cơ hội trở thành luật vì khó qua ải Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ chiếm thế đa số. Ông Biden cũng tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật này trong mọi trường hợp.

Cảnh báo nạn đói nghiêm trọng

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho biết, người dân ở Dải Gaza đang đối mặt nạn đói nghiêm trọng khi các nguồn lương thực cạn kiệt. Theo ông Griffiths, chiến dịch quân sự của Israel nhằm Rafah gây nhiều thách thức với nỗ lực phân phối hàng cứu trợ của Liên hợp quốc.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhận định, việc vận chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza là điều gần như không thể. Theo OCHA, các cửa khẩu quan trọng để hàng viện trợ vào Dải Gaza đã bị đóng cửa trong vài ngày và hiện không an toàn để tiếp cận, cũng như không khả thi về mặt hậu cần. OCHA trước đó cảnh báo về tác động tàn khốc của việc đóng cửa các cửa khẩu đối với khoảng 2 triệu người Palestine ở Dải Gaza.

Trong khi đó, theo Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM), ngày 17/5, chuyến hàng viện trợ đầu tiên qua cầu tàu do Mỹ mới xây dựng tiến vào Dải Gaza. Đây là nỗ lực đa quốc gia nhằm đưa hàng viện trợ tới người dân Palestine. Liên hợp quốc sẽ nhận và tiến hành phân phối hàng viện trợ.

Lực lượng vũ trang Jordan ngày 16/5 phối hợp Ai Cập và Đức tiến hành ba đợt thả dù hàng viện trợ nhân đạo xuống nhiều địa điểm ở phía nam Dải Gaza nhằm hỗ trợ dân thường đang phải đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Kể từ khi xung đột bùng phát, Jordan đã tiến hành tổng cộng 94 đợt thả dù hàng viện trợ nhân đạo và 244 đợt với sự hợp tác của các nước khác.

Kêu gọi một lệnh ngừng bắn

Trong các phiên điều trần tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Nam Phi kêu gọi cơ quan của Liên hợp quốc đưa ra một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự của Israel nhằm Rafah. Nam Phi kêu gọi ICJ yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Dải Gaza. Theo Nam Phi, các phán quyết trước đó của ICJ không đủ để giải quyết tình hình hiện nay tại Rafah và cơ quan này cần đưa ra động thái mới.

Tại phiên điều trần, Israel nhấn mạnh, cuộc tấn công vào Rafah là hành động tự vệ trước lực lượng Hamas; yêu cầu ICJ từ chối yêu cầu của Nam Phi về việc rút quân khỏi Dải Gaza. Bộ Ngoại giao Israel cho biết, các hoạt động của Lực lượng phòng vệ Israel nhằm Hamas được tiến hành cùng các biện pháp giảm thiệt hại cho dân thường và các cơ sở dân sự, cũng như việc chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza.

Đây là lần thứ ba ICJ tổ chức các phiên điều trần về cuộc xung đột ở Gaza từ khi Nam Phi đệ đơn vào tháng 12/2023. Trong một phán quyết tháng 1/2024, ICJ yêu cầu Israel ngăn chặn các “hành động diệt chủng” và cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Tuy nhiên, ICJ không yêu cầu về một lệnh ngừng bắn.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/quoc-hoi-my-bat-dong-ve-vien-tro-vu-khi-cho-israel-212205.html