Quốc hội muốn có đánh giá cụ thể, tham nhũng có còn 'nghiêm trọng'

Sáng nay, 20/10, Quốc hội khóa XIV bước vào kỳ họp thứ 2, kéo dài hơn 1 tháng. Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp, UB Tư pháp của Quốc hội từng khơi ra một câu hỏi, tiêu chí nào để 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng”? Đánh giá này được lặp lại trong báo cáo mới nhất của Chính phủ…

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 vừa được Chính phủ chỉnh sửa, hoàn thiện ngày 17/10 và gửi đến các đại biểu Quốc hội ngay trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 2. Đây là bản báo cáo chính thức sau khi tiếp thu quan điểm thẩm tra của UB Tư pháp của Quốc hội cũng như các ý kiến thảo luận của các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp Thường vụ thứ 3 (cách đây tròn 1 tháng) nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thường kỳ cuối năm của Quốc hội.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ trước khi trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, UB Tư pháp của Quốc hội khi đó nêu một nhận xét đáng chú ý, báo cáo năm nay vẫn cơ bản giữ dòng nhận định đã nêu ra những năm qua (2013, 2014, 2015): “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.

Như vậy là liên tục trong 4 năm trở lại đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước.

Cơ quan thẩm tra nêu băn khoăn, đánh giá này đã đúng về tình hình tham nhũng hiện nay, bởi trong khi Chính phủ cho rằng tham nhũng không còn ở mức độ “nghiêm trọng” thì đánh giá của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

UB Tư pháp đối chiếu 2 hướng đánh giá khác biệt này với đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế thông qua Chỉ số Cảm nhận tham nhũng năm 2015 đã công bố. Theo đó, điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

(Ảnh: TTXVN)

Từ các phân tích, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tình hình tham nhũng theo các tiêu chí cụ thể (về mức độ phổ biến, mức độ thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng theo quy định)…

Như vậy, việc cho rằng tham nhũng không còn ở mức “nghiêm trọng” xem chừng chưa dựa trên cơ sở đo đếm bằng các công cụ, tiêu chí cụ thể.

Sau lần thẩm tra và thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội đó, bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 được Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh, hoàn thiện thêm trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Và tại bản báo cáo mới nhất, Chính phủ đánh giá: “Công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến vượt bậc. Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi”.

Như vậy, từ “nghiêm trọng” đã được đưa trở lại trong báo cáo của Chính phủ, thậm chí là nhận định tính chất các hành vi tham nhũng “rất nghiêm trọng”, đi cùng với nhận định về “mức độ phổ biến” của vấn nạn này.

Chính phủ cũng cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác này. Công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức, hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.

Cụ thể, theo thống kê, cả nước có hơn 1 triệu người có chức, có quyền thuộc diện cán bộ phải kê khai tài sản thu nhập trong năm. Trong số đó, có 1.004.220 đã thực hiện kê khai, 319.875 người công khai bản kê theo hình thức niêm yết, 673.252 người công khai theo hình thức tại cuộc họp.

Có 414 người đã được thẩm tra, xác minh tài sản, thu nhập.

Trong năm, không có trường hợp nào bị kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; bị xử lý kỷ luật do chậm tổ chức kê khai, chậm kê khai, chậm tổng hợp báo cáo kết quả minh bạch tài sản hay là bị xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập.

Đi liền với vấn đề hình thức, nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai, còn lúng túng trong việc hướng dẫn nguyên tắc, phạm vi biến động tài sản, loại tài sản, thu nhập phải kê khai, giải trình. Một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thực sự gương mẫu trong thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Chính phủ đánh giá, công tác quản lý, theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản, thu nhập chưa có tính hệ thống. Thu nhập ngoài lương còn khá phổ biến nhưng chưa có cơ chế để kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các giao dịch về tài sản, kiểm soát thu nhập còn hạn chế.

Dù báo cáo này chưa được trình bày, xem xét ngay trong ngày khai mạc, để nhường cho rất nhóm nội dung về kinh tế sẽ lấp kín ngày làm việc đầu tiên nhưng Quốc hội cũng dành thời lượng thỏa đáng trong tuần làm việc thứ 2, thứ 3 để nghe, để thảo luận tại tổ, tại hội trường về những nhận định mới nhất từ phía Chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội sẽ trực tiếp đánh giá xem sự tiếp thu, điều chỉnh của Chính phủ có giải đáp thỏa đáng được câu hỏi UB Tư pháp đưa ra…

(Theo P.Thảo - Dân trí)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/quoc-hoi-muon-co-danh-gia-cu-the-tham-nhung-co-con-nghiem-trong-n123901.html