Quốc hội không tán thành đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ

Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ, trong đó không đồng ý đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ.

Với 455 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,67%, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Cảnh vệ. Luật gồm 6 Chương, 33 Điều, quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ...

(Ảnh minh họa: ANTV)

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, lãnh đạo cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh cũng cần có cảnh vệ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời, phải phân biệt rõ giữa hoạt động cảnh vệ với hoạt động bảo vệ để phát huy hiệu quả, phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tăng biên chế, tổ chức.

"Hơn nữa, nếu bổ sung các đối tượng này thì cũng cần bổ sung các chức vụ tương đương khác. Thực tế cho thấy, quy định về các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật kế thừa Pháp lệnh cảnh vệ và thực hiện ổn định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. Trong điều kiện thật cần thiết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Khoản 5, Điều 10", Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu rõ.

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội

Đối với đề nghị bổ sung quy định khi nổ súng trong Luật Cảnh vệ phải tuân thủ nguyên tắc của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết, theo giải trình của Thượng tướng Võ Trọng Việt, dự thảo Luật quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng và quy định về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Các quy định này đã phù hợp với nguyên tắc phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật Hình sự. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật Cảnh vệ.

Cũng trong chiều 20/6, Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được thông qua với 457 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,08%.

Với 8 Chương, 76 Điều, Luật quy định về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khong-tan-thanh-de-xuat-bi-thu-chu-tich-tinh-co-canh-ve-638046.vov