Quốc hội không ngừng đổi mới, sâu sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn

Chiều 28/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải cùng chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị. Ảnh: DUY LINH

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trên cả nước...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường và đổi mới, ngày càng linh hoạt, nhạy bén và sát với thực tiễn, kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, năm 2023, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; có thể thấy rõ trong 10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2023 mà Văn phòng Quốc hội tổ chức bình chọn cuối năm 2023.

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong 1 năm với 5 kỳ; trong đó, có 3 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, có được những kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đặc biệt là vai trò tích cực, vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội, dù ở bất kỳ cương vị nào đều tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực, bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời, bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quốc hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Các đại biểu dự hội nghị nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; và báo cáo tham luận của đại diện lãnh đạo nhiều địa phương.

Báo cáo của Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nhân dân, mang tiếng nói của cử tri, nhân dân đến với nghị trường Quốc hội, kết nối chặt chẽ với truyền thông nhằm kịp thời thông tin đến cử tri, nhân dân về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, giúp cử tri theo dõi và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chương trình hành động của từng đại biểu Quốc hội. Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của Quốc hội…

Quang cảnh Hội nghị tại hội trường Diên Hồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong công tác lập pháp, một số đoàn triển khai lấy ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn chậm, một số đoàn gửi văn bản đến các cơ quan hữu quan để xin ý kiến, không tổ chức hội nghị để thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án luật, có đại biểu Quốc hội chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu báo cáo, tài liệu do đó chất lượng ý kiến đóng góp vào văn bản luật chưa cao.

Vừa qua, một số đoàn chưa tổ chức, thành lập đoàn giám sát theo kế hoạch riêng của đoàn mà chỉ thành lập đoàn giám sát theo kế hoạch giám sát hàng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi đến giám sát tại địa phương và giám sát qua báo cáo. Công tác khảo sát còn ít, việc theo dõi, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân có nơi còn chậm.

Về các kiến nghị, đề xuất, đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh quá trình chuẩn bị tài liệu dự án luật, tài liệu phục vụ kỳ họp; chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm gửi các tài liệu, dự thảo luật, báo cáo về địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của kỳ họp Quốc hội…

Ý kiến kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội đề cập yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bổ sung quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chậm hoặc không thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Về công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhiều ý kiến đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cần thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên theo quy định của Nghị quyết 228/1999/NQ-UBTVQH10 và Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ; tiếp nhận và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội…

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết:Về công tác giám sát, năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp, tổng hợp kết quả giám sát và đề xuất nội dung đưa vào Chương trình giám sát với 86 vấn đề thuộc 10 lĩnh vực của 62/63 đoàn đại biểu Quốc hội để xây dựng dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Đây là một những căn cứ quan trọng để bảo đảm các nội dung trong Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn bám sát thực tiễn, phù hợp và đúng quy định pháp luật; những nội dung được lựa chọn trong giám sát chuyên đề, trong hoạt động chất vấn luôn là những vấn đề “đúng”, “trúng”, những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quoc-hoi-khong-ngung-doi-moi-sau-sat-thuc-tien-dap-ung-yeu-cau-cap-bach-cua-thuc-tien-post802060.html