Quốc hội họp bất thường để bầu Chủ tịch nước vào sáng 2-3

Văn phòng Quốc hội cho biết, sáng mai (2-3), Quốc hội khóa XV sẽ họp kỳ bất thường lần thứ 4 để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kỳ họp được tổ chức căn cứ theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 3

Theo chương trình, sau khi Quốc hội hoàn thành việc bầu Chủ tịch nước, Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10h - 11h sáng cùng ngày.

Trước đó, vào sáng nay (1-3), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trước đó, ngày 18/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước được giao quyền Chủ tịch nước từ thời điểm đó đến nay.

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

Cũng theo quy định của Hiến pháp, sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

Trong Quy định số 214 của Bộ Chính trị, tiêu chuẩn của Chủ tịch nước được quy định cụ thể. Theo đó, ngoài bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước còn đáp ứng nhiều điều kiện, như có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân.

Chủ tịch nước phải có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.

Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên cũng là những tiêu chuẩn được đặt ra.

Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/quoc-hoi-hop-bat-thuong-bau-chu-tich-nuoc_144111.html