Quốc hội cần 'mạnh tay' với các biểu hiện lạm quyền, xâm phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân

Ngày 30-11, các ĐBQH đơn vị Đà Nẵng gồm: ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng và các bà: Nguyễn Thị Kim Thúy, Ngô Thị Kim Yến, Võ Thị Như Hoa đã tiếp xúc cử tri Q. Hải Châu và Q. Thanh Khê. Cùng dự, có ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh.

ĐBQH Đinh Thế Huynh lắng nghe ý kiến của cử tri Q. Hải Châu.

Phải giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ

Báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV với cử tri (CT) Q. Hải Châu và Q. Thanh Khê, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, sau hơn 1 tháng làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm trước CT cả nước, kỳ họp thứ 2 đã hoàn thành tốt đẹp các chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao trên một số lĩnh vực.

Tại các buổi tiếp xúc, CT của 2 địa phương đánh giá cao hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn và cho rằng, kỳ họp lần này, QH đã có nhiều đổi mới, nội dung chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân; tạo niềm tin cho cử tri đối với những vấn đề trọng đại của đất nước liên quan đến tình hình phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. CT mong rằng, trong các kỳ họp tiếp theo, QH cần phải tiếp tục hành động và hành động một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để đưa đất nước hội nhập sâu hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng thời, CT đề nghị các ĐBQH cần truy đến cùng vấn đề nêu ra tại các cuộc chất vấn để xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, tránh kiểu trả lời chung chung, đổ lỗi qua lại. Đặc biệt, nhiều CT kiến nghị, với trách nhiệm giám sát tối cao trong lĩnh vực hành pháp, tư pháp, QH cần "mạnh tay" với các biểu hiện lạm quyền, xâm phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và cần có chế tài đủ mạnh với vấn nạn tham nhũng, lãng phí, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu... Bên cạnh đó, CT kiến nghị, QH cần phải giám sát việc thực hiện lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ để công tác điều hành ngày một tốt và hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn nạn tham nhũng, lãng phí, CT Nguyễn Việt An (P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu) cho rằng: "Đã có một số vụ việc nổi cộm được giải quyết, nhưng tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi, phức tạp diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong dư luận. Do đó cần phải loại bỏ những "liên minh" dính đến quyền-tiền; chạy chức-chạy quyền". Cũng về vấn đề trên, CT Dương Lân (P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) đặt vấn đề, việc thất thoát tài sản nhà nước hiện nay diễn ra khá phổ biến ở nhiều dự án, đề nghị QH tăng cường hơn nữa công tác giám sát, không để lặp lại tình trạng nói trên, đặc biệt là đối với những người đang nắm giữ chức quyền, đừng để thất thoát tiền thuế của dân. Còn CT Nguyễn Thị Tám (P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê) đề nghị, cần chỉ ra cho được địa chỉ "lợi ích nhóm", đặc biệt là ở những dự án gây ô nhiễm môi trường...

Giám sát chặt chẽ dự án thép thượng nguồn sông Vu Gia

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến có trách nhiệm và đầy tâm huyết của CT Đà Nẵng, đồng thời dành thời gian để trả lời một số vấn đề CT quan tâm. Ông cho rằng, trong cơ chế thị trường, nhiều tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận đã bỏ qua lợi ích người tiêu dùng, ảnh hưởng đến cộng đồng, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn. Do đó, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hành vi gây phương hại đến xã hội bằng cách tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả, kết quả công tác giám sát của QH. Đối với công tác chống tham nhũng, ĐBQH Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, cần phải kiên quyết và có những giải pháp đồng bộ trong phòng chống tham nhũng, trước hết là phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, không tạo ra kẽ hở để những người có chức, có quyền lợi dụng để tham nhũng; gắn với việc phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật những vụ án tham nhũng. Từng bộ, ngành, địa phương nên rà soát vướng ở khâu nào, tập trung giải quyết khâu đó và phải biết dựa vào dân. Có như thế mới đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất.

Trả lời ý kiến của CT quận Hải Châu và Thanh Khê về vấn đề Biển Đông, ĐB Đinh Thế Huynh cho biết, Đảng, Nhà nước kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc bằng các giải pháp hòa bình, ngoại giao; không gây căng thẳng tình hình cũng như quân sự hóa biển Đông trên tinh thần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định.

Về ý kiến của CT bày tỏ quan ngại về một dự án thép ở thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước của vùng hạ du, trong đó có TP Đà Nẵng, ĐB Đinh Thế Huynh khẳng định "Đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng sẽ có văn bản gửi Bộ TN&MT để phản ảnh ý kiến của CT Đà Nẵng nhằm tăng cường công tác giám sát, kiểm tra từ khâu xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý thải, trạm quan trắc môi trường theo công nghệ ít độc hại, không xả thải ra môi trường. Đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng cũng sẽ đồng thời gửi kiến nghị cho cả Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo việc xây dựng, lắp đặt dự án này ở thượng nguồn sông Vu Gia". Ngoài ra, tại cuộc TXCT 2 quận Hải Châu và Thanh Khê, ĐB Đinh Thế Huynh cũng đã ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị khác của CT và cam kết sẽ báo cáo QH trong kỳ họp đến.

Phương Kiếm

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_158474_quo-c-ho-i-ca-n-ma-nh-tay-vo-i-ca-c-bie-u-hie-n-la.aspx