Quốc hội Ấn Độ bật đèn xanh cho dự luật khoáng sản ngoài khơi

Mới đây, Rajya Sabhab (Thượng viện) của Ấn Độ đã nhất trí thông qua dự thảo Luật sửa đổi Khoáng sản ở các khu vực ngoài khơi (Phát triển và quy định) năm 2023, đánh dấu động thái quan trọng nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản rộng lớn của đất nước. Dự luật, trong khi tìm cách sửa đổi luật cùng tên năm 2002, sẽ quy định hợp đồng thuê sản xuất cố định 50 năm đối với khoáng sản ngoài khơi…

Theo Hindu Times, trước đó, dự luật nhận được sự chấp thuận của Hạ viện (Lok Sabha) hôm 1.8, cho thấy sự đồng thuận mạnh mẽ giữa các nghị sĩ về những lợi ích tiềm năng của văn bản này. Bộ trưởng Bộ Than và mỏ Pralhad Joshi bày tỏ nhiệt tình về việc thông qua dự luật, cho biết cho đến nay chưa có bước đáng kể nào được thực hiện để khai thác trữ lượng khoáng sản ngoài khơi của Ấn Độ kể từ khi quốc gia này giành được độc lập. Ông nhấn mạnh, luật mới sẽ thay đổi điều đó, đồng thời mở ra cơ hội sử dụng các nguồn tài nguyên chưa được khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ.

Giải quyết những lo ngại về tác động môi trường tiềm ẩn của việc khai thác ngoài khơi đối với hệ sinh thái biển và sinh kế của các cộng đồng sống phụ thuộc vào biển, đặc biệt là ngư dân, Bộ trưởng Joshi cho biết các quy định pháp luật về môi trường sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt. Ông cũng nhấn mạnh, tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các bang, sẽ được tham vấn trong quá trình này, bảo đảm cách tiếp cận cân bằng đối với hoạt động thăm dò khoáng sản.

Bộ trưởng nói rõ, các hoạt động khai thác ngoài khơi được đề xuất sẽ không liên quan đến khai thác dưới đáy biển, mà sẽ diễn ra trong thềm lục địa của vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ. Ông nhấn mạnh, nhiều quốc gia khác, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Namibia, đã tiến hành khai thác ngoài khơi một cách có trách nhiệm, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái biển và lợi ích của các cộng đồng ven biển.

Mục tiêu chính của luật mới là loại bỏ điều khoản gia hạn hợp đồng thuê sản xuất và thay vào đó đưa ra khoảng thời gian cố định là 50 năm cho các hợp đồng thuê này, phù hợp với các điều khoản của Luật Về mỏ và khoáng sản (Phát triển và quy định) năm 1957. Động thái trên dự kiến sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp sự rõ ràng và chắc chắn hơn trong hoạt động của mình, khuyến khích họ tham gia nhiều hơn vào hoạt động thăm dò và sản xuất khoáng sản ngoài khơi.

Ngoài ra, luật sửa đổi trao cho chính quyền trung ương thẩm quyền xây dựng các quy tắc sẽ chi phối việc bảo tồn và phát triển có hệ thống các khoáng sản ngoài khơi, cũng như bảo đảm các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường biển khỏi nguy cơ ô nhiễm do các hoạt động thăm dò và sản xuất.

Có thể nói, dự luật mới vừa được thông qua đánh dấu bước tiến đáng kể trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm khai phá tiềm năng giàu có từ biển. Bằng cách tận dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản ngoài khơi, quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ việc tăng doanh thu, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải thận trọng trong việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời tham gia với tất cả các bên liên quan để đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và các hoạt động bền vững.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/quoc-hoi-an-do-bat-den-xanh-cho-du-luat-khoang-san-ngoai-khoi-i338943/