Quốc gia ít bị ảnh hưởng khi Facebook sập

Khác với phần còn lại của thế giới, người dùng sống ở Nga gần đây lại có thể truy cập mạng xã hội của Meta, dù Facebook đã bị chặn 2 năm trước.

Facebook, Instagram đã bị chặn ở Nga từ năm 2022. Ảnh: Unsplash.

Vào cuối tháng 2, Internet ở Nga đã gặp phải những thay đổi kỳ lạ khi "ứng dụng quốc dân" đồng loại sập, trong khi nền tảng bị cấm lại đột ngột hoạt động. Cụ thể, Telegram, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất quốc gia này, đã gặp lỗi, cùng với hàng loạt nền tảng khác như YouTube và trang mạng xã hội Vkontakte.

Các phóng viên của Reuters tại Moscow ghi nhận sự cố ngừng hoạt động của Telegram, YouTube và Vkontakte trong khoảng 90 phút.

Ngay sau khi ngừng hoạt động, người dùng Instagram và Facebook phát hiện họ có thể truy cập các trang web này lần đầu tiên sau 2 năm bị chặn.

Các phóng viên Reuters có thể mở Instagram mà không cần mạng riêng ảo (VPN) lần đầu tiên kể từ khi lệnh cấm được áp dụng.

Nói với Reuters, Trung tâm giám sát mạng truyền thông công cộng của Nga cho biết các chuyên gia ghi nhận một "sự cố lớn" của Telegram, mặc dù vẫn chưa rõ lý do.

“Hoạt động của trình nhắn tin Telegram và một số dịch vụ khác ở Nga đã được khôi phục”, Bộ kỹ thuật số Nga thông báo. Đại diện cơ quan cũng cho biết thêm ứng dụng này cũng gặp lỗi bên ngoài lãnh thổ Nga.

“Chúng tôi đang làm việc để xác định nguyên nhân vụ việc. Với các nhà mạng viễn thông Nga, Internet vẫn hoạt động bình thường”, Bộ này khẳng định.

Telegram ở Nga ngừng hoạt động, trong khi Facebook, Instagram đột ngột truy cập được. Ảnh: Reuters.

Andrei Svintsov, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc hội Nga về chính sách thông tin, nói với trang gazeta.ru rằng việc Facebook liên quan đến các quy định trước bầu cử.

Giai đoạn trước cuộc bầu cử tổng thống, các dịch vụ đặc biệt sẽ kiểm tra khả năng hoạt động của tất cả hệ thống liên quan đến Internet và cơ sở hạ tầng an ninh mạng bên trong nước Nga. "Các trang web, dữ liệu và mạng xã hội bị cấm vẫn sẽ bị hạn chế quyền truy cập một lần nữa”, ông Svintsov nói thêm.

Anton Gorelkin, một thành viên khác thuộc Ủy ban Quốc hội cùng với Svintsov, cho biết không rõ nguyên nhân gây ra tình trạng Telegram ngừng hoạt động. Song, ông phủ nhận các “thuyết âm mưu” liên quan đến việc chính quyền nước này chặn truy cập mạng.

Trước đó, tháng 3/2022, Nga chặn đã hoàn toàn Facebook và hạn chế Twitter sau khi các nền tảng này hạn chế nội dung từ các kênh truyền thông nhà nước Nga

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/quoc-gia-duy-nhat-facebook-khong-sap-post1463537.html