Quét radar, bất ngờ phát hiện 'thành phố nước' bị vùi dưới Nam Cực

Mới đây, các nhà khoa học đã vô cùng choáng váng khi phát hiện một 'thành phố nước' đang ẩn mình tại nơi lạnh nhất thế giới, nhờ hình ảnh từ radar.

Khi phân tích các hình ảnh radar từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), các nhà khoa học đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện hồ ngầm chứa nước lỏng lớn nhất từng được phát hiện ở Nam Cực.

Hồ nước này được đặt tên là Snow Eagle - Đại Bàng Tuyết, nằm trong một hẻm núi sâu hàng km ở vùng cao nguyên của Princess Elizabeth Land, cách bờ biển vài trăm km.

Theo tác giả của nghiên cứu, hồ nước này có khả năng ghi lại toàn bộ lịch sử của dải băng Đông Nam Cực, sự khởi đầu của nó hơn 34 triệu năm trước, cũng như sự phát triển và tiến hóa của nó qua các chu kỳ băng hà.

Mặc dù nằm ở Đông Nam Cực - nơi lạnh nhất thế giới nhưng hồ nước ngầm này không bị đóng băng. Chính khối lượng của tảng băng bên trên tạo nên áp suất lớn, làm giảm điểm đóng băng của nước bên dưới.

Ngoài ra, lớp băng dày cũng có tác dụng cách nhiệt hoàn hảo giúp hồ nước ngầm bớt lạnh giá, chưa kể nó còn được sưởi ấm nhẹ nhàng bởi lớp đá bên dưới.

Theo các nhà khoa học, các hồ băng ngầm này thường ẩn chứa sự sống sinh trưởng và tiến hóa theo những cách kỳ lạ, khác với phần còn lại của thế giới.

Vì vậy, có thể ví hồ nước ngầm này như một "thành phố nước" của Nam Cực ẩn chứa những sinh vật lạ lùng và thú vị bậc nhất thế giới, giúp giới khoa học khám phá ra những nghiên cứu mới.

Không những thế, cấu trúc đặc biệt thế này cũng giúp các nhà khoa học có hướng đi mới trong các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh. Đặc biệt là ở các thế giới băng giá như Sao Diêm Vương, các mặt trăng Europa, Enceladus... của Sao Mộc và Sao Thổ.

Hồ Snow Eagle nằm trong một hẻm núi lởm chởm sâu 1,6 km, dưới đáy hồ là một lớp trầm tích không kết dính, phải được hình thành từ rất lâu trước khi tảng băng hình thành.

Vì vậy theo nhà băng học Martin Siegert từ Đại học Hoàng gia London (Anh), có thể xác định hồ nước này có từ thời Nam Cực còn là một lục địa xanh, chưa băng giá.

Radar xuyên băng từ vệ tinh có thể phát hiện ra các cấu trúc này bởi tín hiệu radar phản xạ trở lại qua nước lỏng sáng hơn nhiều so với phản xạ từ khối băng đặc.

Để thu được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ RADARSAT của NASA trong vòng 3 năm từ 2016 đến 2019 sau đó phân tích kỹ lưỡng.

Mời các bạn xem video: Trái đất trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử. Nguồn: THĐT.

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/quet-radar-bat-ngo-phat-hien-thanh-pho-nuoc-bi-vui-duoi-nam-cuc-1699860.html