Quê nội...

Nguyễn Đức Nam

(Cadn.com.vn) - Quê bà nội tôi ở bên kia sông, xưa gọi Lộc Vĩnh bây giờ là xã Đại Hồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam. Bà về làm dâu bên này sông Vu Gia-xưa gọi là Lộc Bình, nay là xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc. Giả như không có dòng sông thì bên nớ - bên ni cách nhau chỉ non cây số, chạy một hơi là tới. Dòng sông như vận vào cuộc đời bà tôi "thuyền theo lái, gái theo chồng".

Khi tôi sinh ra thì ông nội qua đời đã lâu. Thi thoảng, bà dắt tôi về thăm quê. Đò bến chợ lúc đông, lúc vắng. Mùa lũ sông đục ngầu cuộn chảy, con thuyền mỏng mảnh tựa chiếc lá tre dềnh dàng giữa trùng trùng sóng nước. Lòng sông rộng, người chèo đò đến mút hơi mới đưa bà cháu tôi sang bên kia sông. Mùa hè bến đò nhộn nhịp. Chiều bình yên. Mặt trời đỏ ối dùng dằng ở dãy núi phía tây. Dòng sông thật hiền. Khi con đò sắp cập bến Lộc Vĩnh, tôi nhìn thấy màu sắc từng hòn cuội và nhiều chú cá nhỏ tung tăng giữa làn nước trong xanh...

Tuổi thơ tôi được sống bên bà, càng lớn lên dần càng thấy mình thật diễm phúc. Đó là những đêm nằm ôm bà nghe kể chuyện, đọc thơ. Đến bây chừ khi tóc đà bắt đầu nhuốm bạc, vậy mà lúc nào cũng văng vẳng bên tai lời bà dạy và những câu chuyện giản dị nhưng mang đầy ý nghĩa giáo huấn cùng những bài học đạo đức mà sách vở dày cộm cũng chưa chắc có được. Nhớ mãi những lần cùng bà về quê thăm ông cậu - em ruột bà. Ông là nhà nho, hàng ngày thường nằm trên tấm phản gỗ mít dày, gối đầu trên khúc gỗ, vắt chân chữ ngũ, đọc sách chữ Hán, mục kỉnh trễ xuống. Nghe bà về thăm chơi, ông cậu nhổm dậy ngồi xếp bằng ở giữa tấm phản, tựa lưng vào vách, còn bà nội tôi bưng chiếc ghế đẩu ngồi ở cuối giường. Tôi thì sợ ông lắm, chỉ biết khép nép bên bà. Bà nội và ông cậu chuyện trò chủ yếu chuyện giỗ quảy, rồi bà nội dặn ông cậu lo giữ gìn sức khỏe. Sau một vài giờ thăm quê, bà nội dắt tôi quay lại bến. Con đò nhỏ lại dềnh dàng sông nước đưa bà cháu tôi quay về.

Sau giải phóng 3 năm thì cha tôi bị bệnh mất, những năm cuối đời, bà nội về ở với chú tôi, nhà cũng trong khuôn viên đất ông bà để lại. Cuộc sống lúc bấy giờ còn khó khăn chật vật lắm. Dù đã ngoài 70 tuổi, bà nội vẫn đi ươm tơ, dệt vải. Ngày ngày, nội nấu nồi cơm bé xíu, bói vào cạp lồng, thêm chút mắm đựng trong lọ nhỏ và ít rau luộc. Bà đi bộ khoảng hơn cây số vào hợp tác xã và ngồi quay tơ cho đến tối mịt mới về. Thỉnh thoảng bà lại gọi tôi lên nhà chú cho một bọc nhộng đem về ăn. Sau này, mỗi khi ngồi nhớ lại, lòng tôi lúc nào cũng ngậm ngùi. Ở tuổi già yếu như bà mỗi ngày chút cơm mắm, ngồi suốt cả ngày bên lò lửa quay tơ, thật khó mà đong đếm hết nỗi khổ cực, vất vả của bà. Rồi những hôm hợp tác xã nghỉ ươm tơ, bà lại vác cuốc chim ra vườn cuốc cỏ, vun rau cho tới khi trời về trưa bỏng rát. Có lúc bà chống cuốc nghỉ tay một lúc, gióng mắt nhìn vào căn nhà, nơi chúng tôi nô đùa dưới những tán cây. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng bà như thế đó...

Những năm tôi học đại học ở Huế thì bà nội tôi qua đời. Khi ấy, tôi tất tả về quê nhưng đường sá xa xôi, xe cộ hiếm hoi, chật vật nên khi về tới quê thì không còn kịp nhìn bà lần cuối. Ở tuổi mười chín đôi mươi, tôi làm bài thơ tiễn biệt bà nội, có mấy câu tôi nhớ mãi: "Rồi đây vào những trưa hè/ Vườn lặng yên thảng thốt nghe tiếng Bà/ Tưởng rằng trong gió thoảng qua/ Bóng Bà cặm cụi vun cà, tưới rau"... Và bây giờ đây, dù đã ở vào cái tuổi "tri thiên mệnh", vậy mà mỗi khi ngồi một mình nhớ bà, lòng tôi bỗng nghẹn lại và cố ghìm những giọt nước mắt...

Hôm rồi chiêm bao thấy Bà. Gặp Bà đúng vào ngày giỗ Ông Nội. Nghĩ chắc là Bà cùng Ông về thăm con cháu đây. Trong giấc mơ, tôi thấy mình cùng Bà hái trái đậu tây trước sân nhà. Mấy luống đậu xanh nõn, trái mập căng như còn đẫm sương. Nhớ Bà lắm. Hồi còn đi học, có bận về quê đến nhà đói quá lục cơm ăn. Ăn xong rồi mới lên thăm Bà. Bà bảo: "Nhớ con quá. Lần sau con về lên cho bà ngó con chút rồi hãy ăn cơm"...

Bà có nhiều cháu nội nhưng đều ở xa nên tuổi thơ tôi gắn bó với Bà. Bà đi đâu cũng lon ton đi theo, có thứ gì ngon bà cũng dành cho. Bây giờ đi làm có đồng ra đồng vào, muốn mua chút gì cho Bà cũng có được đâu!

Nhớ lắm, Nội à...

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_146490_que-no-i.aspx