Quê nhà thăm thẳm...

Bà bằng tuổi má tôi, đã tám mươi rồi, nhưng cứ một, hai là dạ, xưng cậu và tôi, khiến tôi ái ngại vô cùng. Khi chuyện coi bộ đã... thấm, bà không còn dạ nữa. Tôi thở phào, càng kính quý biết bao lối nói năng của một người đã gắn đời mình với nghề giáo. Chất gia giáo lặn tận xương cốt, mà những người con bà tôi gặp, dẫu họ cực kỳ hiện đại, tài giỏi mà 'trăm năm vẫn giữ nếp nhà'.

Vườn quê -Ảnh: PHƯƠNG HOAN

Chất giọng người già xứ gió lào cát trắng, gần 50 năm sống Sài Gòn mà không đổi, nghe như gió bấc trở mình thổi thao thiết trên triền đồi, chạy dọc sông, vặn mình qua rừng dương liễu vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, phả vào cây rừng nơi truông Nhà Hồ, như không hề và chưa từng biết đến nhộn nhạo ào ạt cuồng say của xe và người đất phương Nam. Bà ngồi lọt thỏm giữa chiếc ghế mềm nhưng dáng vẫn thẳng, cái nhìn thẳng băng mà dịu dàng, đủ thấy thần khí của một đời đàn bà sinh ra trong bom đạn, gánh gồng nuôi con, vẫn giữ nếp thanh cao lẫn cốt cách của dân miền Trung.

Ba bà người Quảng Trị, mẹ người Huế, tuổi thơ bà sống Vĩnh Kim, Vĩnh Thành rồi ra Hồ Xá (Vĩnh Linh). Lớn lên, đi học rồi đi dạy xa quê. Lương duyên đưa đẩy, bà gặp ông, một anh bộ đội quê Bến Tre tập kết, sinh hai đứa con ở Nghệ An. Giải phóng, ông túm tụm cả nhà về Sài Gòn. Vẫn dạy miệt mài, đến tuổi nghỉ hưu là hiệu trưởng một trường cấp 2 ở Phú Nhuận.

Tôi ăn cơm với gia đình, khi sắp xong bữa, giật mình, bởi chỉ tôi và bà nói chuyện, những người còn lại ngồi nghe. Con bà kết luận : “Anh mà ở đây, bà sẽ nói suốt ngày, vui lắm”. Bữa ăn kho cá phèn, đậm vị miền Trung. Bà ăn ít, khen ngon. Bị bệnh thận khiến bà phải ăn kiêng. “Hồi nớ đi giữ trâu, hay hái sim. Vùng Vĩnh Kim, Vĩnh Thành rồi ra Hồ Xá, sim dại nhiều lắm. Tui biết bơi cũng nhờ giữ trâu. Cậu có biết con cá phèn ngoài miền Trung mình, thịt nó đậm và không mùi bùn như trong ni không?”. “Dạ, cá đồng, cá biển ngoài mình ngon hơn”. “Ừ, cá rô, cá tràu thịt thơm, không mùi ngái bùn, không bở thịt như trong Nam, cá nục cũng ngon hơn, trời nóng, kho lạt với dưa hồng, bỏ hành nhiều, ăn quên no. Vô đây, ăn con cá nghe chẳng ngon lành chi...”.

Bà nói, thỉnh thoảng dừng giữa nỗi nhớ, đem so ngoài mình với Nam Bộ, kín đáo thở dài, tiếc rẻ. Miếng ăn nhớ lâu. Kẻ xa quê, thường nhớ ý vị mùi, hơi thức món, mùa nào thức nấy, chẳng trách nhà văn Vũ Bằng đóng đinh một cõi trong văn học bằng “Thương nhớ mười hai”. Người già thì càng nhớ hơn. Nửa thế kỷ mà vẫn không chịu con cá quê mình đứng sau thiên hạ, phải biết cái tình quê đậm đà chừng nào. “Bác có về quê không?”. “Khoảng 5 năm trước tui có về Hồ Xá”. “Còn ai ngoài đó không?”. “Còn nhiều, mấy chị ruột, cháu, mồ mả ông bà”. “Chừ bịnh tật như ri, chắc khó về bác hè?”. “Đi mô được nữa cậu”.

Bà nhìn ra cửa sổ. Nắng phương Nam chói chang. Chắc là những trường đoạn, khúc thức quê nhà đang dội về. Tôi chưa già, chẳng cảm được tâm nguyện với những thao thức cào cấu đến ứa tim của người Việt mình khi đã già mà lâm vào cảnh xa quê, muốn về lại “vườn bùi, chốn cũ”, ngó mảnh đất nơi ngày xưa dấu yêu của đoàn tụ, sum vầy cha mẹ anh em hàng xóm, ngó con sông tuổi thơ miệt mài bơi lội, cánh đồng làng nắng cháy, đàn trâu một thuở mục đồng, ngó con cá biển cá đồng trong nồi bốc hơi mà ước chỉ cần ăn một lần chết cũng thỏa.

Lá rụng về cội. Ở đó có mồ mả ông bà cha mẹ. Tâm thức quê là một cuốn sách cả đời người dằn vặt. Nó như gió bấc trở mình trong ống xương người già ban đêm, kêu răng rắc, buốt nhói. Tuổi như bà, nước mắt đã khô, chỉ còn cái nhìn vô định “quê nhà xa lắc xa lơ đó-ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Tôi đã lỡ miệng khi không kìm được: “Chừ đi khỏe mà bác, máy bay ra Phú Bài là đón xe về quê nhanh thôi”. “Huyết áp cao nữa cậu à...”.

Hơi bà như nghẹn. Tôi cũng nghẹn. “Bữa ni tháng 7 âm à?”. “Dạ”. “Ngoài miềng chừ có cá chuồn hè, kho nghệ với ném, ngon lắm”. Tôi như thấy con cá quẫy trong mắt bà, vờn đuổi như trêu ngươi rồi lặn mất, bỏ lại mình bà trên bến vắng. “Khi mô cậu về?”. “Dạ, mai con về, mùa ni ngoài mình nắng kinh lắm”. “Ừ, hồi nớ mùa ni suốt ngày cởi quần giữ trâu rồi nằm dưới sông, ông bà cũng chẳng cần đi tìm. Chiến tranh khổ biết mấy, kiếm ăn nào dễ, chừ cái chi cũng khó...”.

Bình minh -Ảnh: PHƯƠNG HOAN

Bà hỏi vọng theo trước khi khuất sau cánh cửa: “Khi mô cậu vô lại”. “Dạ, chưa biết bác à”. Bà im lặng. Tôi không nghĩ bà hụt hẫng. Chắc là bà mong. Sau lần đó, bà có nói với con, là bữa nớ ăn cơm ngon miệng, cậu chi đó cũng như mẹ, đi mô cũng là con nhà nông. Tôi cười, mình chưa từng nhận bừa là thành phố, bởi chân vẫn đóng màu phèn, sống ở phố như tầm gửi, bạn yên tâm, nói chuyện con cá ở quê, mình hầu mẹ bạn vô tư.

Bạn cự: “Ông nói chuyện nấu canh hến với rau muống, bí bầu ở Quảng Trị thì có chắt chắt, hôm qua bả kêu con chạy xuống chợ Bà Hoa dưới Tân Bình coi có chắt chắt xúc bánh tráng không, mua cho mẹ ăn. Tôi đi, hỏi miết, họ nói ngoài quê chưa chuyển vào, về thấy mặt tôi, bà hỏi ngay, rồi xịu xuống”. Tôi thấy mình có lỗi, đã khiến nỗi nhớ trong bà bật mầm.

Bữa điện thoại hỏi thăm, bạn nói bà có đỡ, tôi lại lỡ miệng: “đưa về thăm quê đi”. Giọng Nam Bộ ầm ầm trong điện thoại: “Thôi cha nội, năm đó về, vui quá xá trời đất, về lại Sài Gòn, hình như nhớ quê thì phải, đổ bịnh nặng luôn tới giờ”.

Tôi không dám nói thêm, ngồi nhớ đôi mắt đã mờ đục của người già. Quê nhà thăm thẳm. Ước, trời thương, cho bà một lần nữa khỏe mạnh mà về, ngó sông quê chảy mãi không ngừng về biển để thấy gừng cay muối mặn đời mình có bao nhiêu đi nữa, tắm một lần trên sông quê là thanh tẩy cả đời rồi về với tổ tiên, nằm cạnh ông bà trong viên mãn tâm nguyện. Càng nghĩ, càng thương.

Bút ký: Trung Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/que-nha-tham-tham/183350.htm