'Quê nhà của Toyota' trở thành vườn ươm các startup máy bay

Aichi đang là vườn ươm, nơi tập trung startup phát triển phương thức đi lại trong tương lai như tàu vũ trụ, máy bay không người lái và xe bay ở Nhật Bản. Tỉnh này vốn là đại bản doanh của hãng xe Toyota và nhiều nhà thầu của hãng này.

Các công ty khởi nghiệp ở Aichi như PD Aerospace và Prodrone đang phát triển các hình thức vận chuyển trong tương lai.

Trước Thế chiến thứ hai, Aichi và vùng lân cận đã từng là trung tâm sản xuất máy bay quốc gia của Nhật Bản. Tỉnh đang dự định làm sống lại ngành công nghiệp trụ cột chính. Đi đầu trong những tham vọng đó là việc phát triển máy bay phản lực cỡ nhỏ thông qua sáng kiến đối tác công – tư (PPP) do Mitsubishi Heavy Industries dẫn đầu. Tuy nhiên, dự án Mitsubishi SpaceJet thực hiện từ năm 2008 đã bị “hạ cánh” năm ngoái, do tiến độ chậm và thua lỗ ngày càng gia tăng.

Làm sống lại “trung tâm sản xuất máy bay”

Aichi hiện đang hướng các startup đến việc phát triển các hình thức vận tải trong tương lai. Tỉnh xem đây là động lực tăng trưởng mới cho công nghiệp của Aichi và vùng lân cận.

PD Aerospace là stratup phát triển máy bay không gian, mở đường cho du hành vũ trụ tư nhân trong tương lai. Startup này nói họ đã được hưởng lợi từ việc chọn Aichi làm trụ sở chính.

CEO Shuji Ogawa nói rằng các hãng xe hơi đều có cảm giác “bất lực”, bởi xe điện đã khiến các nhà sản xuất linh kiện động cơ xe xăng rơi vào tình thế khó khăn. “Toyota, cũng như các công ty nhỏ hơn, dường như đặt kỳ vọng vào ngành hàng không vũ trụ như một lĩnh vực tiên tiến. Đây là lĩnh vực có thể tận dụng sự phát triển của động cơ và nhiên liệu ít phát thải”, Ogawa nói.

PD phụ thuộc vào các nhà máy địa phương, hầu hết là đối tác của Toyota, để xử lý các bộ phận cần thiết cho việc tạo nguyên mẫu máy bay không gian. PD cũng đang đàm phán với Toyota và các nhà sản xuất phụ tùng xe lớn như Denso và Aishin, một phần của tập đoàn Toyota, để khám phá các lĩnh vực có thể hợp tác.

Toyota Tsusho, bộ phận kinh doanh của tập đoàn Toyota, là một trong những nhà đầu tư vào startup. “Các chi nhánh của Toyota thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ trong cộng đồng startup. Việc Toyota đầu tư vào PD Aerospace giúp chúng tôi có uy tín hơn khi nói đến việc gọi vốn hoặc tuyển dụng”, Ogawa nói.

Muốn thành vườn ươm cho mọi doanh nghiệp

Năm 2023, Aichi đã khởi động chương trình nghiên cứu về đi lại trong tương lai, với 4 startup lĩnh vực di chuyển, hãng con của Toyota là Jtekt và Nagoya Railway. Chương trình nhằm mục đích tăng tốc “khả năng di chuyển trên không” và khả năng tự bay của drone và xe bay.

Đây là đề xuất của Prodrone, statup được thành lập vào năm 2015 và hiện đang phát triển máy bay không người lái chở hàng được mệnh danh là “xe bán tải bay”. CEO Shunsuke Toya của Prodone cho biết Aichi là nơi “thích hợp” để đặt trụ sở chính.

“Chúng tôi có thể tìm được tất cả các kỹ sư lành nghề mà chúng tôi cần. Chúng tôi cũng có thể tuyển dụng người đã từng làm việc cho Mitsubishi Heavy. Ở gần họ, có nghĩa là chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng”, Toya nói. Ông nói rằng các công ty địa phương có kỹ năng “xuất sắc, đẳng cấp thế giới” trong việc xử lý các vật liệu máy bay quan trọng như sợi carbon và nhôm.

Ogawa của PD Aerospace cùng chung quan điểm với Toya. Ông nói “văn hóa gắn kết” của khu vực là một thế mạnh độc đáo. “Từ chính quyền tỉnh đến các trường đại học địa phương, ngân hàng và các công ty khởi nghiệp như chúng tôi. Tinh thần và mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau đã giúp chúng tôi dễ dàng gây quỹ ở các giai đoạn khác nhau”, Ogawa giải thích.

Aichi dự kiến mở vườn ươm khởi nghiệp Station AI ở thủ phủ Naggoya vào tháng 10 tới, dành cho khoảng 1.000 startup và các doanh nghiệp trưởng thành. Ảnh: Nikkei Asia

Aichi đang chuẩn bị mở trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, Station AI, tại thủ phủ Nagoya vào tháng 10 tới. Trung tâm này do quỹ đầu tư SoftBank Corp. xây dựng và vận hành, với kế hoạch tiếp nhận khoảng 1.000 statup.

Các quan chức Aichi phụ trách về hỗ trợ khởi nghiệp cho biết sự tham gia của các công ty lớn sẽ là chìa khóa. Trung tâm ươm tạo mới Station AI có kế hoạch tiếp nhận không chỉ các startup mà còn cả các công ty đã thành lập trong và ngoài nước.

Ogawa cho rằng vấn đề lớn mà Aichi cần giải quyết là làm thế nào để tăng cường hỗ trợ tài chính. “Các chính sách về vốn và gây quỹ hiệu quả rất quan trọng đối với các startup. Nhưng ở Aichi rất khó để huy động vốn hoặc tìm người để tư vấn về chiến lược so với Tokyo. Khả năng kinh doanh của Aichi hầu hết còn yếu, nhưng có thể sẽ mạnh hơn với Station AI và các sáng kiến khác. Khu vực này có khả năng sản xuất vững chắc, vì vậy các startup vững chắc sẽ sớm xuất hiện”, Ogawa kết luận.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/que-nha-cua-toyota-tro-thanh-vuon-uom-cac-startup-may-bay/