Quảng Trị nói gì về đề xuất làm băng tải xuyên biên giới hàng nghìn tỉ đồng?

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc làm băng tải để vận chuyển than từ Lào về Việt Nam là giải pháp hiệu quả để tăng năng suất vận tải tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu các rủi ro, bảo vệ môi trường...

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, qua kết quả khảo sát cho thấy, trữ lượng than đá tại 2 tỉnh Sekong và Salavan (Lào) cách Cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 118km, ước tính khoảng 1 tỷ tấn, nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển ước tính khoảng 20-30 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng tại Cửa khẩu quốc tế La Lay chưa đồng bộ, nhà Kiểm soát liên hợp cửa khẩu chưa có bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đều phải đỗ, đậu trên đường giao thông để làm thủ tục nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực thông quan tại cửa khẩu.

Tuyến đường QL15D chật hẹp, các phương tiện vận tải gặp khó khi lưu thông.

Trong khi đó, tuyến đường QL15D kết nối với cửa khẩu chật hẹp, có độ dốc lớn, nhiều khúc cua gấp, khuất tầm nhìn, mùa mưa thường xảy ra sạt lở, sụt lún ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông của phương tiện trên tuyến…

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội, ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh vừa có đề xuất xây dựng một băng tải dài 160km để vận chuyển than đá từ hai tỉnh Sekong và Salavan về cảng biển Mỹ Thủy nhằm phục vụ nhu cầu trung chuyển và xuất khẩu.

Hệ thống băng tải từ các mỏ của Lào sang đến cảng biển của Việt Nam, dự kiến có tổng chiều dài khoảng 160km, công suất 1500 tấn/h đến 6000 tấn/h (phân kỳ đầu tư). Trong đó, đoạn đi trên lãnh thổ Lào có chiều dài băng tải khoảng 85km, điểm cuối vị trí dự kiến cách Cửa khẩu quốc tế La Lay 500m.

Đoạn qua lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 75km (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.800 tỷ đồng) gồm: phân đoạn 1 dài khoảng 5km, điểm cuối vị trí dự kiến tại Km4+200 (phía phải tuyến Quốc lộ 15D) và phân đoạn 2 dài 70km, điểm cuối tại cảng Mỹ Thủy.

Phương tiện lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Ông Lê Đức Tiến cho biết thêm, nếu như được phê duyệt phương án, kinh phí để thực hiện là của nhà đầu tư, tỉnh chỉ hỗ trợ về mặt thủ tục. Việc xây dựng băng tải sẽ giảm tối đa chi phí vận chuyển và cũng là giải pháp hiệu quả để tăng năng suất vận tải tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu các rủi ro, bảo vệ môi trường, tránh hư hỏng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

"Hiện nay vận chuyển bằng đường bộ thông quan chậm hơn so với việc vận chuyển bằng băng tải cắt qua đường biên giới. Than vận chuyển về Cảng Chân Mây, Hòn La hiện nay gần 200km, nếu nối thông tuyến QL15D kết hợp băng tải đi song song sẽ rút ngắn xuống còn 87km nên giảm rất lớn chi phí Logistics.

Đặc biệt, việc thêm phương thức vận chuyển này, kết hợp với đường bộ sẽ giải tỏa công suất theo nhu cầu vận chuyển hàng năm, lên đến 30 triệu tấn", ông Tiến chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho hay, xây dựng băng tải sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu cần nhập khẩu hàng năm của Việt Nam lên đến 100 triệu tấn. Đồng thời, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hơn so với nhập khẩu từ các nước khác qua đường biển và góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế.

Được biết, hiện nay tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, ước tính mới chỉ nhập khẩu đạt khoảng 2 triệu tấn/năm, cao điểm nhất đạt 15.000 tấn/ngày với khoảng 500 lượt xe qua lại.

Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/quang-tri-noi-gi-ve-de-xuat-lam-bang-tai-xuyen-bien-gioi-hang-nghin-ti-dong-172230612091557217.htm