Quảng Ninh thu hút vốn đầu tư vượt trội đạt 3,1 tỷ USD

Từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh đón dòng vốn đầu tư vào địa bàn tăng vượt trội. Trong đó, riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,1 tỷ USD, vươn lên dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngày 22/10, tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam. Đây là dự án tiếp theo của Tập đoàn Jinko Solar tại Quảng Ninh, nối dài chuỗi dự án hơn 1,2 tỷ USD trước đó.

Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu Tập đoàn Jinko Solar cho biết: “Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của chúng tôi trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của chúng tôi tại nước ngoài. Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả, thực chất của tỉnh đối với tập đoàn trong thời gian vừa qua. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định để tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư các dự án trong thời gian tới”.

Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD

Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD

Dự án này cùng với dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh (có tổng vốn đầu tư 690 triệu USD) vừa được cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư đã nâng tổng vốn FDI vào Quảng Ninh đạt 3,1 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023. Con số này tăng 43% so với cùng kỳ và gấp 3 lần chỉ tiêu mà tỉnh đặt ra từ đầu năm.

Theo nhận định của các nhà đầu tư, ngoài ưu thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, những lợi thế mà Quảng Ninh đã tập trung xây dựng dường như đang vào thời điểm “chín muồi”: hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp có nhiều đột phá…

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh cũng nỗ lực “giữ chân” bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sau cấp phép,… Như việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhiều dự án chỉ trong 12-24 giờ (sau khi nhận đủ hồ sơ), hay thành lập các Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các dự án FDI tập trung trong lĩnh vực chế biến chế tạo là một trong những động lực dẫn dắt cho ngành công nghiệp Quảng Ninh

Các dự án FDI tập trung trong lĩnh vực chế biến chế tạo là một trong những động lực dẫn dắt cho ngành công nghiệp Quảng Ninh

Gần đây, việc các nhà đầu tư lớn trở lại Quảng Ninh không còn hiếm. Quy mô của các dự án cũng ngày một mở rộng hơn, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, năng lượng sạch… theo định hướng trọng tâm của địa phương.

Ông Komoto Tomoshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Castem Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí cho biết: “Chúng tôi lựa chọn Quảng Ninh vì gần sân bay, bến cảng, phù hợp để sản xuất xuất khẩu. Hơn nữa chúng tôi tìm hiểu và biết con người Việt Nam rất chăm chỉ, làm việc tập trung. Môi trường đầu tư thông thoáng tại đây cũng là lợi thế lớn”.

Bên cạnh vốn nước ngoài, vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách vào Quảng Ninh cũng tăng mạnh, 10 tháng qua đạt trên 884 nghìn tỷ đồng, gấp gần 25 lần cùng kỳ. Đáng chú ý có dự án Cảng số 1 thuộc Cụm cảng Mông Dương - Khe Dây tại TP Cẩm Phả với tổng vốn đầu tư trên 838 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 10 tháng, tỉnh Quảng Ninh đã “về đích sớm” và vượt mục tiêu thu hút đầu tư năm 2023. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chủ đề công tác năm của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”.

Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đang là trọng điểm thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh với loạt KCN Đông Mai, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai...

Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đang là trọng điểm thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh với loạt KCN Đông Mai, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai...

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Để tiếp tục thu hút đầu tư bền vững cần tập trung nhiều giải pháp, trong đó có đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

“Đầu tư công vừa là nguồn nội lực quan trọng, vừa là động lực, trụ cột cho tăng trưởng GRDP, cho phát triển kinh tế, an sinh phúc lợi xã hội và cũng tạo ra điều kiện cần và đủ để thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội, nhất là đối với Quảng Ninh có chủ trương và đã thành công từ nguyên lý “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH” - ông Nguyễn Xuân Ký nói.

Tín hiệu tích cực từ kết quả thu hút đầu tư 10 tháng qua là tiền đề để Quảng Ninh tiếp tục đặt những mục tiêu cao hơn, đóng góp giúp địa phương duy trì giữ đà tăng trưởng GRDP 2 con số trong 8 năm liên tiếp, phấn đấu đạt 11%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 54.000 tỷ đồng trong năm 2023, tiếp tục chiến lược kinh tế xanh, phát triển theo hướng bền vững.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quang-ninh-thu-hut-von-dau-tu-vuot-troi-dat-31-ty-usd-post1057531.vov