Quảng Ninh: Lễ hội 'Tiên công khai canh-mở đất'

Sau Tết Nguyên đán vào các ngày mùng Năm đến mùng Bảy tháng Giêng thường niên dân đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên mở Lễ hội truyền thống tri ân Tiên công (Tiên công) khai canh, mở đất.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Dương Văn Hào tặng quà các cụ Thượng.

Lễ hội Tiên công được tổ chức trọng tâm tại miếu Tiên Công, ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. Phả lục miếu Tiên Công và Lễ Tiên Công thờ nhân thần, người có công tìm kiếm đất hoang, khai khẩn điền địa và lập làng lập xã từ thời sơ khai đất này. Miếu Tiên Công được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 34/QĐ-BVHTT ngày 9/2/1990; Lễ hội Tiên Công được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017, theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Miếu Tiên Công được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 34/QĐ-BVHTT ngày 9/2/1990.

Theo bia ký gia phả, năm 1434 niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất, vua Lê Thái Tông khuyến khích dân chúng đi khai khẩn đất hoang, mở mang diện tích canh tác để phát triển nông nghiệp. Khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 19 người nông dân gồm: Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn, Hoàng Nông, Hoàng Nênh… người quê ở ven sông Kim Ngưu, Thăng Long, người thì quê ở thành Nam; trong số đó có người đã có vợ con và có thanh niên trai tráng chưa vợ… Họ cùng chung ý chí quai đê trị thủy, vượt thổ lấn biển, khẩn khai điền địa, canh nông ở bãi bồi cù lao bên tả ngạn sông Bạch Đằng này.

Lễ hội Tiên Công được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017, theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL.

Từ một hoang đảo có người định cư, đất ấm hơi người. Người dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, vượt đất lấn biển… đất đai dần mở mang, dân dần đông đúc, bãi biển sa bồi cù lao dần hình thành một hòn đảo trù mật, thời phong kiến Triều Nguyễn gọi là Tổng đảo Hà Nam, thuộc tỉnh Quảng Yên, đảo nhiều người ở nhất vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam.

Hiện đảo có chu vi đê biển lớn nhất Quảng Ninh với 34 km, gồm 8 phường xã có 6 vạn dân, nhiều xã phường trên thổ đất còn thấp hơn mực triều cường. Đảo Hà Nam trầm tích văn hóa với 130 di tích lịch sử, văn hóa như đình chùa, đền, miếu, nhà thờ tổ các dòng họ, trong đó có 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia; 21 nhà thờ được cấp bằng di tích quốc gia.

Các cụ Thượng được con cháu võng lọng ra miếu Tiên Công.

Thần tích vào khoảng thời Hậu Lê, dân đảo dựng một Am thờ nhỏ để hương nhang truy ơn các Tiên công, qua nhiều lần trùng tu xây dựng Am thờ cổ ngày một khang trang. Năm Gia Long thứ ba đời Nguyễn (1804) trùng tu lớn, trên cột kèo, xà gồ, thượng nương có văn tự khắc chữ nôm tạm dịch: “Gia Long tam niên trọng hạ nguyệt, cốc nhật thượng trụ thượng lượng”. Hiện Di tích còn lưu giữ sắc phong của vua Khải Định, ngày 25/7/1924 có nội dung: “Sắc cho bản nha thờ phụng các bậc tiên tổ có công khai canh, lập ấp. Miếu Tiên Công thờ thành hoàng ở Hà Nam khác biệt với các đền thờ thành hoàng ở làng quê Việt Nam, miếu Tiên Công phối thờ 19 vị nhân thần khai canh, mở đất”.

Lão Thượng cáo yết thần linh, Tiên công khai canh, mở đất tại miếu Tiên Công.

Tiên Công chính Lễ báo hiếu, truy ơn Tiên công khai canh, mở đất theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Khoa lễ, có nghi thức mừng các lão nông thượng thọ tuổi tròn 80, 90, 100 tuổi… nhờ ăn lộc cao dày của Tiên công mà thượng thọ, gọi là “lão Thượng”. Các lão Thượng được rước dẫn lễ ra miếu để cáo yết thần linh, truy ơn Tiên công. Con cháu xa gần tề tựu tế lễ gia thần, tri ân cụ Thượng tại tư gia hoặc nhà thờ họ; theo đó, rước các cụ ra miếu Tiên Công cáo hoàng thiên, bản thổ, Tiên công; tri ân, chúc mừng cụ Thượng. Nghi thức rước cụ Thượng long trọng, cờ rong trống mở, chăng đèn kết hoa, đại tự, bát bửu, đội nhạc lễ, phục trang cổ điển... gọi là “lễ rước cụ Thượng”.

Đa số các cụ tuổi vàng, tuổi ngọc tự đi được từ nhà ra miếu, nhưng hành trang theo người vẫn võng lọng.

Ngày trước các cụ 80 tuổi trở lên thường yếu ốm, con cháu phải cáng võng dẫn lễ ra miếu Tiên Công cáo thần, nay đời sống sung túc, y tế chăm sóc sức khỏe cho dân tốt… đa số các cụ tuổi vàng, tuổi ngọc tự đi được từ nhà ra miếu, nhưng hành trang theo người vẫn võng lọng; các cụ yếu ốm thì vẫn giữ nếp xưa võng lọng chỉnh tề. Nghi thức “rước cụ Thượng” diện rộng, cuốn hút đông người, thì bảo ngày “Lễ hội tế người sống” nét văn hóa đặc sắc ở Quảng Yên. Thực chất chính thần là lễ tạ Tiên Công khai canh, mở đất.

Năm nay tròn 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434 - 2024). Lễ hội Tiên Công được tổ chức ở quy mô cấp thị xã, Lễ kết hợp với Hội. Lễ có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân, trên 100 cụ Thượng dẫn lễ lên miếu Tiên Công. UBND thị xã Quảng Yên đã hỗ trợ mỗi lễ rước tập thể 50 triệu đồng và mỗi lễ rước cá nhân là 25 triệu đồng. Hội mở các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, hát đúm giao duyên, đánh đu, bóng chuyền, cờ người... tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách xa gần.

Một số hình ảnh Lễ hội Tiên công năm 2024.

Đời đời ghi nhớ Tiên công khai canh, mở đất.

Lễ vật của các lão Thượng tiến cống, tri ân Tiên Công, thần linh bản thổ.

Nghi thức rước cụ Thượng cờ rong trống mở, bát bửu, đội nhạc lễ, trang trọng.

Các cụ Thượng trước cửa miếu Tiên Công.

Lễ kết hợp với Hội, tổ chức các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, hát đúm giao duyên, đánh đu, bóng chuyền, cờ người...tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc ở địa phương.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-ninh-le-hoi-tien-cong-khai-canh-mo-dat-370045.html