Quảng Ninh lần thứ 6 dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính

Bộ Tư pháp và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng Chỉ số cải cách hành chính, Bộ Công Thương và tỉnh An Giang đứng cuối bảng - đó là thông tin vừa được công bố sáng nay, ngày 17/4, tại Hà Nội.

Sáng nay, 17/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả cho thấy, ở khối bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, đạt 89,95%; đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78,03%.

Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố các chỉ số sáng 17/4 (Ảnh: VGP/LS)

Đánh giá tổng quan, có 14 bộ, cơ quan ngang bộ đạt Chỉ số CCHC trên 80%, gồm: Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, Nội vụ, TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng, GTVT, TT&TT, LĐTB&XH, VH-TT&DL, GD&ĐT, KH&CN, KH&ĐT. 3 bộ Y tế, Ngoại giao và Công Thương đạt dưới 80%.

Về phía địa phương, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh này đã 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước. Xếp vị trí thứ hai là TP Hải Phòng, đạt 91,87% - là năm thứ 4 liên tiếp đạt kết quả Chỉ số trên 90%.

Các đại biểu dự hội nghị

Cùng đó, một số địa phương khác cũng thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội đạt 91,43%, xếp thứ 3; Bắc Giang 91,16%, xếp thứ 4; Bà Rịa-Vũng Tàu 91,03%, xếp thứ 5. TP Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 33, tăng 3 bậc so với năm 2022. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81,32%.

Theo Ban chỉ đạo CCCH của Chính phủ, kết quả được đánh giá khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, với Chỉ số CCHC đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình đạt 86,98%, cao hơn gần 2,2% so với năm trước. Đáng chú ý, đây là lần thứ 5 liên tiếp, Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A có 7 tỉnh, thành phố, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên; Nhóm B có 56 tỉnh, thành phố, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị

Về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%.

Tỉnh Quảng Ninh nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất (90,61%); xếp thứ 2 là tỉnh Thái Nguyên (90,29%). Thấp nhất là tỉnh Bắc Kạn (75,03%).

TP Hà Nội xếp thứ 21, tăng 9 bậc (năm 2022, TP Hà Nội đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44% - 85,12%, trong đó 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11% và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số CCHC năm 2023, các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chủ động phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân những chỉ số thành phần còn thấp, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Cùng với đó là quan tâm chỉ đạo sát sao với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm cải thiện thực chất công tác CCHC của bộ, ngành, địa phương. Tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ...

Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh và là năm thứ 7 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quá trình triển khai nghiêm túc, khoa học, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức, triển khai điều tra xã hội học, quy mô lớn, với gần 90.000 mẫu để lấy ý kiến đánh giá của công chức, người dân về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Các mẫu này đồng thời để đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ninh-lan-thu-6-dan-dau-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh.html