Quảng Ninh làm cao tốc Vân Đồn–Móng Cái: Chốt phương án cuối

UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn nhà thầu trong nước làm cao tốc Vân Đồn-Móng Cái theo hình thức BOT và không vay vốn TQ.

Chọn nhà thầu Việt Nam

Tại cuộc cuối tuần qua giữa lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các đối tác về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, UBND tỉnh đã thống nhất chọn liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C - BRJSC12 – Khánh An - Cienco1 là chủ đầu tư dự án đường cao tốc.

Cụ thể, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có chiều dài khoảng 91,17km bắt đầu tại Km59+556,36 - nút giao Đoàn Kết (thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn) và điểm cuối tại Km150+725,03 - giao đường tỉnh 335 (thuộc địa phận thành phố Móng Cái).

Dự án đi qua 5 địa phương trong tỉnh gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn nhà thầu trong nước làm cao tốc Vân Đồn-Móng Cái theo hình thức BOT và không vay vốn TQ.

Tại cuộc họp, liên danh nhà đầu tư trình bày 3 phương án trong dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là gần 14.000 tỷ đồng và được triển khai trong vòng 3 năm, thời gian thu phí 25 năm.

Quảng Ninh tự tìm vốn cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Ai trả?

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng tình với hướng tuyến, quy mô dự án mà chủ đầu tư đã nghiên cứu và đề nghị đơn vị tư vấn phải lưu ý, khảo sát thêm địa bàn TP Móng Cái trên tinh thần hạn chế thấp nhất việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm đầu mối với các đơn vị tư vấn, cơ quan chuyên môn để tính toán các phương án có hiệu quả nhất cho dự án.

Đồng thời UBND tỉnh đề nghị hạn chế thấp nhất việc giải phóng mặt bằng ở phạm vi TP. Móng Cái, lựa chọn địa điểm hạn chế phải giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án. Ở các đoạn đi qua những huyện, thị còn lại, đơn vị thực hiện phải nghiên cứu cụ thể các vị trí, nút giao. Nghiên cứu phương án tài chính cho sát thực tế, đảm bảo chi phí đầu tư không tăng so với tổng mức đầu tưu ban đầu.

Hiệu quả đến đâu?

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng, đây là một ý tưởng tốt nếu địa phương đủ sức huy động được nguồn vốn phù hợp và quản lý thực hiện có hiệu quả.

Theo GS Đào, Quảng Ninh có nhiều mục tiêu khi có ý tưởng xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái trong giai đoạn này. Tuy nhiên theo ông để đạt được điều này không hề đơn giản và dễ dàng vào thời điểm này.

“Trước hết Quảng Ninh muốn thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn. Thứ hai là giao lưu giữa các vùng của Quảng Ninh với nhau. Còn thú thật tôi cho rằng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng, hoặc qua Quảng Ninh vẫn còn ít. Chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp còn nhập các mặt hàng máy móc, công cụ, thiết bị.

Nhưng thực tế với tình trạng đầu tư BOT của Việt Nam hiện nay thì kỳ vọng đó cũng không đạt được. Giống như hành lang Đông – Tây, rất nhiều tuyến đường để thu hút hàng hóa của Lào và Đông Bắc Thái Lan nhưng thực tế số lượng qua Việt Nam cũng chưa nhiều vì chi phí rào cản của chúng ta quá lớn, BOT quá lớn”, GS Đào phân tích.

Quảng Ninh từ chối vay 7.000 tỷ: Lo ngại nhà thầu TQ

Bên cạnh đó, ông Đào chỉ rõ, kinh nghiệm đầu tư BOT giai đoạn 2011-2015 đều cho thấy, các dự án của chúng ta đội vốn lên chóng mặt. Có dự án từ 3 nghìn tỷ lên 6 nghìn tỷ; có công trình từ 25 nghìn tỷ lên 50 nghìn tỷ.

“Liệu rằng đề xuất xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái lần này của Quảng Ninh có nằm trong trào lưu đó hay không? Nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn ODA rất quý nhưng vấn đề mình quản lý và sử dụng như thế nào”, GS Đào nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc còn cho rằng cần phải tìm hiểu xem dự án xây dựng đường cao tốc đã thật sự cấp bách chưa, có đem lại hiệu quả và tác động sâu rộng đối với nền kinh tế hay không?

“Câu trả lời là chưa cần thiết. Theo tôi, thị trường hàng hóa của Việt Nam nên hướng ra những thị trường thế giới với cách làm ăn rõ ràng, minh bạch. Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu của Trung Quốc nên chưa cần thiết phải xây mới, có thể tận dụng đường cũ.

Tiếp theo là những cao tốc chúng ta làm để kết nối với cửa khẩu của Trung Quốc như: Hà Nội Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng vẫn còn lãng phí lắm, chưa ăn thua.

Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều khách du lịch Trung Quốc vào Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh và nhiều nơi khác gây rối. Cho nên Việt Nam phải cân nhắc, không nên tạo điều kiện cho họ ồ ạt sang trong điều kiện chúng ta quản lý chưa tốt”, vị chuyên gia thẳng thắn.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quang-ninh-lam-cao-toc-van-donmong-cai-chot-phuong-an-cuoi-3323545/