Quảng Ninh: Kinh tế biển 'tăng nuôi trồng, giảm khai thác'

Như tin đã đưa, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959-01/4/2024), ngày 1/4, tại thành phố Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề 'Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau'.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký phát biểu khai mạc hội nghị.

Cụ thể, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong ba đầu tàu phát triển kinh tế của Vùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, đứng đầu ở phía Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều cảnh quan có giá trị ngoại hạng toàn cầu; có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú đa dạng; có nền tảng văn hóa lâu đời với xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng... Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế - trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN - trung tâm kinh tế biển.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Với việc không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa tỉnh phát triển, vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Hiện tỉnh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh dịch vụ, công nghiệp, kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Việt Nam. Trong định hướng phát triển, Quảng Ninh tiếp tục kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh, chuyển đổi xanh.

Đặc biệt với tiềm năng, lợi thế về biển, Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại. Trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp nuôi trồng hải sản hướng ra biển với khai thác thủy, hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường.

Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2… Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế quốc phòng an ninh, đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật và địa kinh tế trong vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc thuận lợi và phát triển du lịch với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã thúc đẩy phát triển thủy sản và nuôi biển một cách nhanh chóng từ năm 2010 trở lại đây.

Với những tiềm năng, lợi thế nổi bật tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, trong những nhiệm kỳ gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, Chỉ thị số 13/CT-TU và Chỉ thị số 18-CT-TU và hơn 15 kế hoạch của UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp theo hướng "tăng nuôi trồng, giảm khai thác", tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có riêng Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dịch chuyển mật độ nuôi biển từ vùng biển 3 hải lý trở vào để mở rộng diện tích nuôi biển phù hợp với quy hoạch và sức tải của môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Quảng Ninh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á, hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích, giảm xung đột, phát triển bền vững. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản trên biển và ao hồ. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng trên 55%; là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất phía Bắc.

Quảng Ninh thực hiện phương châm đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 HTX được thành lập trong vòng 2 năm; có những mô hình kết hợp nuôi biển công nghệ cao với tôn tạo môi trường sinh thái biển. Gần đây, cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển Quảng Ninh; khi trời quang mây tạnh từ trên tàu thuyền nhỏ có thể nhìn thấy tôm cá, sinh vật biển bơi lội dưới đáy nước ven bờ vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển của Quảng Ninh đạt được những kết quả nhất định. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha; trong đó nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch cao hơn sản lượng khai thác thủy sản trong tự nhiên 12.108 tấn, cho thấy kinh tế biển của Quảng Ninh "tăng nuôi trồng, giảm khai thác".

Một số hình ảnh kinh tế biển Quảng Ninh:

Bờ biển Quảng Ninh dài 250km, chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên.

Quảng Ninh trên 20.000ha eo biển, vũng vịnh, thủy vực… ngư trường rộng lớn trên 100km2.

Địa phương kết hợp nuôi biển công nghệ cao với tôn tạo môi trường sinh thái biển.

Số liệu thống kê 25/6/2016, vùng biển Quảng Ninh có 8.047 chiếc tàu cá, 346 chiếc đánh bắt xa bờ. Bình quân mỗi tàu 4 lao động, địa phương có trên 3 vạn ngư dân khai thác thủy sản hoang dã.

Thương hiệu hải sản Quảng Ninh: Tôm Núi Miều, tép Dùi Xanh, ghẹ hoa Trà Cổ, ngán Đầm Hà, sá sùng Quan Lạn, mắm Cái Rồng…

Năm 2023, thống kê tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha, trong đó nuôi nội địa đạt 32.092ha.

Quảng Ninh tỷ lệ che phủ rừng trên 55%, là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất phía Bắc.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-ninh-kinh-te-bien-tang-nuoi-trong-giam-khai-thac-372831.html