Quảng Ninh đứng đầu cả nước về Chỉ số hài lòng và Chỉ số cải cách hành chính

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất cả nước về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

Ngày 19/4, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Phiên họp thứ tư theo hình thức trực tuyến toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố chỉ số PAR INDEX của các bộ, các tỉnh, thành phố; là năm thứ 6 triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số SIPAS năm 2022.

Kết quả tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất với mức độ hài lòng đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước là 87,59%. Đây là lần thứ 4 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất chỉ số SIPAS. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa.

Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất với mức độ hài lòng đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (Ảnh: CTV)

Đối với Chỉ số PAR INDEX năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ở ngôi vị dẫn đầu đối với cấp tỉnh với 90,1 điểm, tiếp đó là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng.

Quảng Ninh tiếp tục ở ngôi vị dẫn đầu đối về chỉ số PAR INDEX (Ảnh: CTV)

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định việc thực hiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của Quảng Ninh.

Các chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh về “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.

Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 78% cao nhất toàn quốc).

Trong đó, 77% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến 5 bước trên môi trường điện tử; số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,8%.

Tỉnh cũng thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện.

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định việc thực hiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của Quảng Ninh (Ảnh: CTV)

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, thời gian qua, Quảng Ninh tập trung phát triển là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện.

Xây dựng Quảng Ninh là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với các đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, xây dựng văn hóa giàu bản sắc.

Mặt khác, xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu, động lực để phát triển.

Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quang-ninh-dung-dau-ca-nuoc-ve-chi-so-hai-long-va-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-post234611.gd