Quảng Ninh: Điều chỉnh chính sách hỗ trợ

Chỉ 1 đồng vốn hỗ trợ thu hút tới hơn 15 đồng vốn đối ứng của đối tượng thụ hưởng, công tác khuyến công Quảng Ninh đã và đang chứng tỏ sức hấp dẫn ngày một cao.

Trung tâm Khuyến công Quảng Ninh đã hỗ trợ Chi nhánh Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (thị xã Đông Triều) thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng cụm máy móc thiết bị trong sản xuất gốm sứ cao cấp”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 604 triệu đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng. Thực hiện đề án, doanh nghiệp đầu tư 1 máy ép song động, 1 máy khắc CNC, 1 máy ép bán dẻo. Kết quả nghiệm thu cho thấy, máy móc thiết bị mới đã góp phần tự động hóa được một số công đoạn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với chất lượng sản phẩm tốt, khả năng cung ứng cao kết hợp với hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện bài bản, sản phẩm của Chi nhánh Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh không những khẳng định vị trí tại thị trường xuất khẩu truyền thống, mà còn dần tiếp cận thị trường mới.

Gốm sứ Quang Vinh - một trong số cơ sở đã được hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh

Sự thành công của Chi nhánh Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chỉ là một trong số nhiều cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) đã được hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh. Có thể kể tới, Công ty Cổ phần Truyền thông G9 (huyện Hoành Bồ) với đề án “Hỗ trợ ứng dụng cụm máy móc thiết bị trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ”; hay những cơ sở sản xuất, hợp tác xã khác được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, như: Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Bình Liêu (huyện Bình Liêu); Hợp tác xã Phát triển Đình Trung (huyện Tiên Yên), Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Kiều (huyện Đầm Hà)...

Thành công của Khuyến công Quảng Ninh những năm qua không chỉ được đo lường bởi số lượng các đề án đã triển khai, mà còn được chứng minh bởi sức hút đối với số lượng cơ sở CNNT tham gia, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng từ các đối tượng này. Số liệu cho thấy, từ năm 2012 - 2019 Khuyến công Quảng Ninh đã triển khai 161 đề án, tổng kinh phí trên 16,8 tỷ đồng. Năm 2019 tuy chưa có số liệu cụ thể, nhưng giai đoạn trước, chương trình khuyến công thu hút tới 226,3 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng, bình quân 1 đồng vốn khuyến công hút trên 15 đồng vốn đối ứng.

Rõ ràng, sau nhiều năm triển khai, với những chính sách được điều chỉnh hợp lý, phù hợp tình hình thực tế, Khuyến công Quảng Ninh đã phát huy tốt hiệu quả, dần trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT. Ngoài hỗ trợ trực tiếp về đổi mới máy móc, trang thiết bị sản xuất, công tác khuyến công còn tăng cường tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, nhằm nâng cao sức hút cho sản phẩm CNNT; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại vùng quy hoạch và tập trung phát triển đồng bộ việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối cho các sản phẩm chủ lực; khuyến khích cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận, ứng dụng công nghệ để sản xuất sản phẩm mới, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành cho sản phẩm CNNT, hạn chế ô nhiễm môi trường, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Khuyến công Quảng Ninh sẽ tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, để hoạt động khuyến công ngày càng đi vào chiều sâu, đến đúng đối tượng, đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa.

Hoạt động khuyến công đã được triển khai rộng khắp tại 10/14 huyện, thị xã, thành phố, từ đó cải thiện đáng kể năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-dieu-chinh-chinh-sach-ho-tro-135577.html