Quảng Ngãi cơ cấu lại nghề cá theo hướng bền vững

Tạm dừng cấp phép đóng mới tàu cá, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép và hạn ngạch khai thác hải sản, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài… Đây là những giải pháp đang được tỉnh Quảng Ngãi triển khai quyết liệt nhằm từng bước cơ cấu lại nghề cá phát triển theo hướng bền vững.

Những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo các yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản của EU.

Vừa đi biển về nghỉ được vài ngày, tàu cá QNg-96578TS của ông Võ Hải ở tỉnh Quảng Ngãi lại mở chuyến biển mới. Trên tàu cá được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, như hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, định vị, phao cứu sinh... Ông Võ Hải cho biết, tàu của ông ra khơi luôn thực hiện nghiêm qui định đánh bắt đúng ngư trường và có định vị giám sát hành trình, khai báo nguồn gốc hải sản khai thác. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản ít đi nên việc đánh bắt gặp khó khăn, mong được Nhà nước hỗ trợ thêm mỗi chuyến biển.

“Cũng mong Nhà nước nâng mức phụ cấp, hỗ trợ tiền dầu thêm cho ngư dân để bà con an tâm vươn khơi, bám biển” - ông Võ Hải nói.

Những con tàu đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa

Tỉnh Quảng Ngãi, một trong những địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước đang dần chuyển đổi theo hướng khai thác bền vững. Tỉnh Quảng Ngãi chủ trương giảm số lượng tàu cá, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép và hạn ngạch khai thác, trong đó giảm dần tàu có chiều dài dưới 15m khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng.

Đến nay, toàn tỉnh giảm từ 5.700 tàu xuống còn gần 4.300 tàu cá. Tàu cá dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi hiện có 3.147 chiếc. Các địa phương giảm ngành nghề khai thác không thân thiện với môi trường, nghiêm cấm sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt, sắp xếp, cơ cấu lại ngành, nghề, số lượng phương tiện khai thác thủy sản phù hợp với thực tế và ngư trường.

Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm nên định hướng của thị xã Đức Phổ là quy hoạch vùng để tăng diện tích nuôi trồng thủy sản thay cho đánh bắt, dần giảm số lượng tàu thuyền đánh bắt xuống, đặc biệt là vùng ven biển, chuyển qua nuôi thủy sản. Thực hiện các loại hình nuôi như nuôi tôm trên cát, nuôi cá nước lợ, nuôi cá nước mặn, nuôi trên các đầm. Cùng với đó phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nuôi biển”.

Tỉnh Quảng Ngãi giảm số lượng tàu gần bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, thủy sản được tỉnh Quảng Ngãi xác định là ngành mũi nhọn, khai thác gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đội tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đang phát triển theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ, tăng dần số tàu công suất lớn. Chất lượng tàu được kiểm soát từ khâu thiết kế đến đóng mới và khi đưa vào khai thác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã tạm dừng cấp phép đóng mới tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, kể cả đóng mới thay thế tàu cá đã xóa đăng ký; tạm dừng cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15 mét lên thành tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Tỉnh Quảng Ngãi cũng siết chặt việc phân bổ, cấp phép hạn ngạch khai thác hải sản theo từng ngành nghề, từng môi trường trên tinh thần vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi duy trì sản lượng khai thác thủy sản ở mức 260.000 tấn/năm; Cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng cơ chế chính sách để chuyển đổi nghề ít thân thiện với môi trường sang nghề thân thiện với môi trường. Đồng thời, cắt giảm số lượng tàu cá để cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng của nguồn lợi trên vùng biển”.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quang-ngai-co-cau-lai-nghe-ca-theo-huong-ben-vung-post1039106.vov