Quảng Nam: Vì đâu sau 2 năm đề án bán tín chỉ carbon vẫn nằm trên giấy?

Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý lập Đề án thí điểm kinh doanh 'tín chỉ carbon rừng' giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của đề án là 'bán không khí từ rừng' để giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, sau 2 năm có chủ trương, đề án vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn quốc gia Sông Thanh có diện tích hơn 75 nghìn héc ta, với hệ sinh thái gần như còn nguyên vẹn. Đây là đai rừng liền mạch lớn nhất miền Trung. Theo đề án thí điểm bán tín chỉ carbon, chủ rừng sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Số tiền này sẽ chi trả cho 300 nhăn viên chuyên trách và đầu tư phát triển rừng. Tuy nhiên, sau 2 năm có chủ trương, đề án vẫn chưa được triển khai.

Theo tính toán sơ bộ, Quảng Nam có gần 630.000 héc ta rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được khoảng 1 triệu tấn carbon. Đề án bán tín chỉ carbon sẽ giúp tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong 10 năm tới, nâng độ che phủ lên 61% vào năm 2025, phục hồi khoảng 7 triệu m3 gỗ và giảm phát thải 14 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Lợi ích từ đề án có thể thu về 130 tỷ đồng mỗi năm, nhưng khi triển khai thì gặp nhiều vướng mắc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cho biết từ năm 2018, địa phương đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, nhưng đến nay hồ sơ thẩm định vẫn chưa hoàn thiện, chưa chọn được đối tác tư vấn.

Quảng Nam là một trong số những địa phương có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để tín chỉ carbon được lên sàn giao dịch quốc tế thì vẫn còn khó khăn. Do đó, địa phương cần sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đoàn Nguyên - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quang-nam-vi-dau-sau-2-nam-de-an-ban-tin-chi-carbon-van-nam-tren-giay-204715.htm