Quảng Nam giữ gìn vốn quý đa dạng sinh học

Quảng Nam là một trong những vùng ưu tiên về đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung, đồng thời thuộc 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu. Việc bảo vệ đa dạng sinh học và từng bước phục hồi các hệ sinh thái sẽ góp phần giúp địa phương phát triển bền vững kinh tế-xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiên phong bảo vệ đa dạng sinh học

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đa dạng sinh học, đồng chí Lê Thủy Trinh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là nơi giao lưu giữa các thế hệ thực vật phía Bắc và phía Nam nên rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học rất cao. Đây là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan; là nơi phân bố của các loài thú quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ, voi, voọc chà vá... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (được UNESCO công nhận năm 2009) và Vườn quốc gia Sông Thanh (huyện Nam Giang) là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 76.669ha.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, thiên nhiên hoang dã cùng sự sống đa dạng của các sinh thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là kho báu vô giá đang hiện diện từ rừng xuống biển. Hệ sinh thái trên cạn khá đa dạng và phong phú với các loài đặc hữu núi rừng Trường Sơn gồm khoảng 1.130 loài thực vật bậc cao, 646 loài thú lớn, 22 loài dơi, 270 loài chim, 48 loài bò sát, 38 loài lưỡng cư. Hệ sinh thái dưới nước như khu vực rạn san hô tập trung ở Cù Lao Chàm có tổng cộng 277 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ, cá có từ 61 đến 131 loài, thân mềm có khoảng 17-36 loài... Tuy nhiên, trước tác động của con người, các hệ sinh thái đang có xu hướng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Điển hình tại khu bảo tồn Sao La, trước kia còn có các loài thú ăn thịt và thú móng guốc như hổ, báo gấm, chó rừng, gấu ngựa, voi, bò tót... nhưng từ năm 2015 đến nay, hầu như các loài này không còn tồn tại.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng, nhất là sự phong phú của những rạn san hô.

Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Quảng Nam đã có chiến lược cụ thể với công tác phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc triển khai hàng loạt khu bảo tồn là những nỗ lực của địa phương cho mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Theo đồng chí Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương đang xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, ưu tiên giữ và mở rộng các khu bảo tồn, không chấp thuận triển khai đầu tư dự án khu dân cư để bảo vệ đa dạng sinh học, thể hiện quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế và thực hiện tôn chỉ phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh.

Động lực phát triển kinh tế xanh

Năm 2024, tỉnh Quảng Nam đăng cai Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia-sự kiện môi trường có quy mô quốc gia và quốc tế nhằm hướng tới thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, trong khuôn khổ Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia, sẽ có hơn 40 sự kiện, hoạt động được tổ chức, từ quy mô quốc gia, quốc tế đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân tham gia; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới mục tiêu phát triển thành một trong những tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, có tính cân đối, hài hòa giữa môi trường và phát triển.

Trong đợt kiểm tra hiện trạng rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu vấn đề phục hồi đa dạng sinh học gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng, do đó, chúng ta không quá tập trung phát triển kinh tế-xã hội mà không chú ý đến phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái tự nhiên. Thời gian tới, địa phương đẩy mạnh thu hút các khối tư nhân đầu tư nghiên cứu xây dựng tín chỉ carbon rừng đối với các vùng rừng xung yếu, đồng thời tranh thủ cơ hội có thể bán được tín chỉ carbon rừng để người dân trong vùng bảo tồn được tiếp tục hưởng lợi ngoài chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung quy hoạch thành lập các cơ sở bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao; coi trọng việc bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học. Bên cạnh việc nâng cấp các khu bảo tồn hiện có, thành lập thêm các khu bảo tồn mới, các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách; giải quyết từng bước sinh kế, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các khu bảo tồn.

Có thể nói, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai việc giữ gìn vốn quý đa dạng sinh học theo hướng kinh tế xanh, bảo đảm tính cân đối, hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, Quảng Nam cần huy động sự chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội và người dân để ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quang-nam-giu-gin-von-quy-da-dang-sinh-hoc-770577