Quảng Nam cung ứng sản phẩm nông sản an toàn cho Đà Nẵng

Chiều 21-6, tại TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì buổi làm việc về hợp tác cung ứng – tiêu thụ nông sản an toàn giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Chiều 21-6, tại TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì buổi làm việc về hợp tác cung ứng – tiêu thụ nông sản an toàn giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh Quảng Nam tiếp cận thị trường Đà Nẵng. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng kiểm tra sản phẩm nông sản an toàn được bày bán trong cửa hàng).

Đà Nẵng tiêu thụ lớn sản phẩm nông sản của Quảng Nam

Hằng năm, ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam đã cung cấp cho thị trường hơn 100.000 tấn sản phẩm thủy sản, gần 240.000 tấn rau – củ - quả và hơn 60.000 tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, cung cấp cho TP Đà Nẵng khoảng 6.000 tấn rau – củ - quả, 5.000 tấn thịt heo, 400 tấn thịt gia cầm và 4.000 tấn thịt bò bê thui. Chất lượng sản phẩm nông – lâm – thủy sản ngày càng được cải thiện và có kiểm soát, đã góp phần rất lớn trong sản xuất và thu nhập của người dân đất Quảng. Xuất phát từ thực tế đó năm 2016, tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuỗi thịt lợn tại H. Thăng Bình và đã có cửa hàng bán sản phẩm an toàn tại chợ Hà Lam. Năm 2017, tiếp tục triển khai mở rộng thí điểm 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau, nước mắm, tôm) nhằm cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn “từ sản xuất đến bàn ăn” và quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng… Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, tiềm năng thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông, thủy sản an toàn của người dân trong tỉnh Quảng Nam ngày càng cao, các điểm kinh doanh, các bếp ăn tập thể sử dụng các sản phẩm nông, thủy sản an toàn được hình thành ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ lớn, đã tạo điều kiện cho sản phẩm an toàn ở Quảng Nam có thể cung ứng một cách thuận lợi…

Tuy nhiên, theo ông Ngô Tấn, hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa đủ tiềm lực để tìm đầu ra cho nông sản an toàn do mình sản xuất. Trong khi đó, giá cả sản phẩm do nông dân làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, sản xuất còn mang tính mùa vụ, nên không tránh khỏi “được mùa mất giá”, sản xuất trái vụ thì thường bị rủi ro lớn nên sản phẩm hầu như không có nhiều. Đồng thời, người tiêu dùng hiện nay thiếu thông tin về sản phẩm an toàn, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được các cơ sở sản xuất uy tín, bên cạnh đó một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ… nên vẫn còn tình trạng nhiều người tiêu dùng sử dụng thực phẩm trôi nổi, không bảo đảm ATTP. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn tại Quảng Nam đang gặp khó khăn về việc tiêu thụ sản phẩm. Các cửa hàng kinh doanh sản phẩm sạch hiện nay không đảm bảo doanh thu và duy trì cầm chừng nên không mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Việc liên kết giữa cơ sở kinh doanh và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán không mang tính bền vững.

Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nông sản an toàn

Ông Ngô Tấn khẳng định, trong việc hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi giữa hai địa phương, Quảng Nam sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cửa hàng kinh doanh sản phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đồng thời, tổ chức chứng nhận các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau, chăn nuôi, thủy sản đủ điều kiện ATTP/VietGAP và lựa chọn, giới thiệu các cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để kết nối với doanh nghiệp Đà Nẵng xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Quảng Nam sẽ thống kê và cung cấp cho Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả, thịt, thủy sản… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có cung cấp sản phẩm cho Đà Nẵng để phối hợp giám sát ATTP. Cũng như, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Quảng Nam khi cung cấp hàng hóa nông sản cho TP Đà Nẵng phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng. Đặc biệt, sẽ tổ chức giám sát ATTP tại các cơ sở và vùng sản xuất, nhất là đối với các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Đà Nẵng và cung cấp thông tin cho phía Đà Nẵng về kết quả giám sát…

Về phía Đà Nẵng, ông Ngô Tấn đề nghị hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Quảng Nam mở cửa hàng bán nông sản ATTP trên địa bàn TP Đà Nẵng. Cũng như, tổ chức kết nối các doanh nghiệp của Đà Nẵng với các cơ sở sản xuất rau, thịt, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP/VietGAP hoặc sản xuất theo chuỗi nông sản an toàn do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam giới thiệu để tổ chức cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường Đà Nẵng. Đồng thời, miễn tiền thuế mặt bằng đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Quảng Nam khi tham gia hội chợ nông sản an toàn do TP Đà Nẵng tổ chức. Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở tỉnh Quảng Nam đến với các cơ sở tiêu thụ và người tiêu dùng trên địa bàn Đà Nẵng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% kinh phí phân tích mẫu ban đầu để xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi và giám sát đình kỳ trong vòng 2 năm đầu (mỗi chuỗi không quá 3 quầy kinh doanh); tăng cường giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm ATTP đối với sản phẩm nông sản nhập từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Quảng Nam và thông tin kịp thời về kết quả giám sát cho Sở NN&PTNT Quảng Nam biết để phối hợp quản lý…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã thống nhất một số nội dung hợp tác xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn từ khâu sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cửa hàng bán sản phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng (gồm: rau quả, thịt gia súc - gia cầm, trứng gà thủy sản). Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cửa hàng bán sản phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn TP Đà Nẵng là nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh giữa hai địa phương hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi một cách bền vững và kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cho các bên tham gia và lợi ích cho toàn xã hội. Chính vì vậy, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh Quảng Nam tiếp cận thị trường Đà Nẵng thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo, liên kết với doanh nghiệp Đà Nẵng hoặc tiếp cận các hệ thống phân phối như: chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng phân phối nông sản an toàn… trên địa bàn thành phố.

TRÍ DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_168013_qua-ng-nam-cung-u-ng-sa-n-pha-m-nong-sa-n-an-toa-n.aspx