Quảng Bình: gần 22.000 ngôi nhà chìm trong nước

NDĐT - Mưa lớn từ ngày 2-10 đến nay gây ngập lụt nghiêm trong ở tỉnh Quảng Bình. Đến 15 giờ chiều 4-10, tỉnh Quảng Bình có hai người chết do nước lũ cuốn trôi, một người mất tích; hơn 21.607 nhà bị ngập, trong đó có 3.520 nhà ngập sâu từ 1-2m. Học sinh được nghỉ học để bảo đảm an toàn cho các em. Việc sơ tán người dân ở các vùng nguy hiểm đang tiếp tục được triển khai ở hầu hết các địa phương.

Sáng 4-10, chúng tôi đã tiếp cận được vũng rốn lũ huyện Tuyên Hóa. Sông Gianh cuồn cuộn chảy nhấn chìm hơn 4.000 ngôi nhà của người dân chín xã dọc theo triền sông. Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, Trương Thanh Lam cho biết: “Cả xã đã ngập trong nước, trong đó có nhiều ngôi nhà ở sát mép sông nước lũ ngập tới mái. UBND xã đã huy động lực lượng xung kích sơ tán toàn bộ trẻ em, người già và phụ nữ ở các vùng ngập sâu đến các trường học, nhà cao tầng để bảo đảm tính mạng cho bà con. Cầu Châu Hóa vừa khánh thành không chỉ tạo thuận lợi trong đi lại cho bà con mà còn là nơi sơ tán phương tiện, vật dụng và chăn giữ trâu bò trong những ngày lũ cho người dân. Trường ngập, học sinh phải nghỉ học. Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, Hồ Thanh Ngọc cho biết, toàn huyện có hơn 8.200 nhà bị ngập nước, trong đó hơn 1.000 nhà ngập hơn 2m. Tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A đoạn qua Tuyên Hóa, đường liên xã, liên thôn bị chia cắt. Ngay trong chiều 3-10, huyện Tuyên Hóa đã sơ tán hơn 1.000 hộ ra ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, tại nhà máy thủy điện Hố Hô ở xã Hương Hóa huyện Tuyên Hóa, nước dâng cao tràn qua đập chính có nguy cơ vỡ đập. Huyện Tuyên Hóa đã cử lực lượng bộ đội, công an và thanh niên xung kích chỉ trong hơn ba giờ đồng hồ đã sơ toàn bộ 170 hộ, 820 nhân khẩu ở khu vực hạ lưu đến nơi an toàn. Lũ làm ngập tầng một, cả nhà lên tầng hai sinh hoạt. Tại huyện vũng trũng Lệ Thủy trưa 4-10, nước sông Kiến Giang vượt báo động 3 gây lũ lụt ngập gần 3.500 nhà dân. Nước lũ đổ về nhanh đã cuốn trôi bốn công nhân đang thi công công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung. Rất may, chính quyền địa phương và đơn vị thi công đã chủ động tìm kiếm và cứu được toàn bộ số công nhân khi đang chới với trên phá Hạc Hải. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Phạm Hữu Thảo, việc phòng chống lũ được người dân Lệ Thủy triển khai rất chủ động từ việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm đến phương tiện di chuyển trong những ngày lũ lụt. Đây là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình. Chiều nay, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các An Thủy, Lộc Thủy và Sơn Thủy di dời ngay các hộ ở vùng “đuồi” (tức là cuối làng) bị nước ngập sâu và sóng to làm hư hỏng nhà cửa để bảo đảm tính mạng cho nhân dân. Lực lượng công an sơ tán người dân đến nơi an toàn. Huyện Quảng Ninh cũng đã cử lực lượng vũ trang đến các xã Hiền Ninh, Xuân Ninh sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm. Qua trao đổi điện thoại với Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, Nguyến Viết Ánh vào lúc 15 giờ chiều, chúng tôi được biết ông đang có mặt tại hai thôn Đồng tư và Tân Hiền xã Hiền Ninh để chỉ đạo sơ tán hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Trước đó, bộ đội biên phòng đã cùng với chính quyền xã rẻo cao Trường Sơn di dời 150 hộ dân để tránh nguy cơ lũ quét. Theo ông Ánh, trận lũ này khá lớn, được so với trận lũ lịch sử xảy ra ở huyện Quảng Ninh vào năm 1992. Đến chiều nay, nước từ đầu nguồn hai con sông Long Đại và Kiến Giang vẫn đang đổ về ngày càng lớn làm cho vùng đồng bằng nhỏ hẹp huyện Quảng Ninh ngập lụt nặng. Các biện pháp ứng cứu vẫn đang tiếp tục được triển khai để giảm tốn thất do thiên tai gây ra. Trường học là nơi trú chân an toàn nhất trong những ngày lũ. Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 15 giờ ngày 3-10, toàn tỉnh có hai người chết do nước lũ cuốn, đó là anh Trần Vân Anh ở thôn Ngọn Rào xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch và ông Đoàn Xuân Toản ở thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch; hơn 20.000 nhà bị ngập, trong đó huyện Minh Hóa: 1.972 nhà, Tuyên Hóa 8.000 nhà, Quảng Trạch 4.500 nhà, Quảng Ninh 3.635 nhà và Lệ Thủy 3.500 nhà. Hiện ngoài biển tỉnh Quảng Bình có tám tàu cá của ngư dân bị hỏng máy trôi dạt tự do trên biển, trong đó có 5 tàu cá với 43 ngư dân huyện Quảng Trạch. Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực cứu hộ nhưng do sóng lớn, gió to nên chưa thể tiếp cận được các tàu cá. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia hỗ trợ để cứu các thuyền viên. Chợ ngâm trong nước lũ. Trước diễn biến phức tạp của lũ lụt, tỉnh Quảng Bình đã lập ba đoàn đến các huyện chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt. Ngày trong đêm 3-10 và sáng nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã lệnh chuyển 13 canô cao tốc và 250 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ các địa phương di dời dân và đối phó với các tình hống khẩn cấp. Hiện nay, các huyện ở Quảng Bình đang tìm mọi biện pháp để tiếp cận các khu vực bị cô lập từ chiều 3-10 như vùng đồng bào Rục, xã Tân Hóa (Minh Hóa). Chín xã vùng nam huyện Quảng Trạch. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các huyện cử ngay cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình và cùng dân chống lũ, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, kiên quyết sơ tán dân ra khỏi những vùng có nguy cơ ngập sâu, lũ quét. HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184957&sub=127&top=39