Quảng Bình: 'Dân vận khéo' ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Những bước chân không mỏi…

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số là dân tộc Bru-Vân Kiều (gồm 4 tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và dân tộc Chứt (gồm 5 tộc người Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng), với 5.607 hộ, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh; ngoài ra, còn có một số dân tộc khác như Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa Cô,... với số lượng không nhiều, sinh sống xen kẽ ở các địa bàn vùng miền núi.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 22/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra ở các xã miền núi để lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới thực chất, toàn diện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng.

Điểm nổi bật, thực hiện chủ trương lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy về đổi mới mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thường trực cấp ủy một số huyện đã kịp thời chỉ đạo phân công các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện mô hình “Dân vận khéo” theo giải pháp “Mỗi xã giúp mỗi bản” (phân công các xã, thị trấn vùng đồng bằng và các đơn vị cấp huyện đảm nhận giúp đỡ các bản khó khăn vùng dân tộc thiểu số). Thông qua các nguồn xã hội hóa, đến nay các xã, thị trấn, đơn vị cấp huyện tại Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa đã thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể ở các bản khó khăn, với tổng số kinh phí trên 6 tỷ đồng (riêng ở huyện Bố Trạch, bằng nguồn xã hội hóa, năm 2022 đến nay 22 xã, thị trấn đã hỗ trợ 22 bản với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng).,… Đây là cách xây dựng mô hình “Dân vận khéo” mới nhất trong cả nước, được Ban Dân vận Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Công trình cổng chào do cán bộ và Nhân dân xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch tặng bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung)

Cán bộ và Nhân dân xã Hải Phú, huyện Bố Trạch trao tặng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình và đường vào bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch

Với phương châm dân vận “Giúp cần câu hơn giúp con cá”, ngoài hỗ trợ thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng, các cơ quan, đơn vị ở các huyện còn thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách thức làm ăn để phát triển kinh tế, giảm nghèo,…

Mô hình “Dân vận khéo” hướng dẫn chăn nuôi gà theo cách “bắt tay chỉ việc” do cán bộ, Nhân dân xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh thực hiện tại bản Thượng Sơn (xã Trường Sơn) góp phần làm thay đổi ý thức vươn lên thoát nghèo trong đồng bào Vân Kiều ở đây

Phân công các phòng, ban cấp huyện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” giúp đỡ các bản xây dựng nông thôn mới là cách làm sáng tạo của huyện Lệ Thủy

Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì thực hiện hằng năm là điểm sáng trong việc đổi mới công tác dân vận của các lực lượng vũ trang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hội LHPN tỉnh hưởng ứng Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2024 Bằng các “Gian hàng 0 đồng” để lại nhiều tỉnh cảm trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình đường giao thông nông thôn tại bản K-Ing (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), tổng trị giá 450 triệu đồng

Mô hình “Tiếng mái vùng biên” (giúp đỡ, trao tặng máy làm nông nghiệp) là mô hình “Dân vận khéo” sáng tạo do Đồn Biên phòng Làng Mô (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) thực hiện tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, góp phần quan trọng làm thay đổi ý thức thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn

Là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác dân tộc, cán bộ, công chức của Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên sâu sát địa bàn, đặt chân đến tất cả các bản, làng xa xôi, khó khăn nhất ở các khu vực miền núi, biên giới, từ đó tích cực, chủ động tham mưu nhiều chủ trương đổi mới thực chất, toàn diện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn,…

Việc đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng nâng cao đời sống mọi mặt và xây dựng các xã địa bàn miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nình ngày càng phát triển đi lên…

Văn Hà - Hoàng Nhân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dan-van-kheo-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tinh-quang-binh-nhung-buoc-chan-khong-moi-a24200.html