Quảng Bình chủ động ứng phó 'giặc lửa'

Tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,7%, đứng thứ 2 cả nước, điều kiện khí hậu, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Chính vì vậy, LLVT tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều biện pháp chủ động cùng chính quyền và nhân dân phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Nguy cơ cháy rừng tăng cao

Quảng Bình vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trung bình duy trì trên 42 độ C, kèm theo gió thổi mạnh. Nắng nóng diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ luôn ở mức cao, độ ẩm không khí thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến 5 vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra chỉ trong hai ngày 29 và 30-4 ở các huyện: Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch.

Tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, hàng trăm người đã trải qua hai ngày vất vả căng mình dập lửa. Theo đó, khoảng 12 giờ ngày 29-4, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn thôn Tân Định, xã Hải Ninh sau đó lan sang rừng trồng của dân và khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình chăm sóc, quản lý. Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban CHQS huyện, Công an, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Ngư Thủy, kiểm lâm, dân quân cơ động cùng người dân trên địa bàn được huy động tham gia chữa cháy.

Do thời tiết nắng nóng gay gắt, gió thổi mạnh nên lửa tiếp tục lan nhanh và bùng phát ra nhiều khu vực lân cận khiến cho công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quảng Ninh, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: "Diện tích cháy rất rộng, đường cơ động khó khăn nên phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận. Các đơn vị phải huy động tối đa lực lượng, khoanh vùng, cắt đường băng cản lửa sau đó dùng xẻng hất cát, cành cây để khống chế các đám cháy".

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vào tối 29-4.

Sau hơn 8 giờ nỗ lực tiếp cận, đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, các lực lượng tham gia đã cơ bản khống chế đám cháy. Tuy nhiên, đến khoảng 6 giờ 30 phút ngày 30-4, một trạm biến áp ở xã Hải Ninh bị chập điện, sau đó tia lửa bén xuống thảm thực bì và lan rộng.

Nhận được tin báo, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo xã Hải Ninh triển khai phương án "4 tại chỗ" tập trung chữa cháy; đồng thời huy động hơn 300 người tiếp tục triển khai các phương án chữa cháy. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Tổng thiệt hại hai vụ cháy rừng khoảng 20ha trong đó có khoảng 70% là diện tích thảm thực bì, số còn lại là rừng phi lao, keo, tràm.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh thông tin: "Địa phương đã huy động tổng lực phương tiện, lực lượng kết hợp với sự chi viện của các sở, ngành cấp tỉnh mới có thể dập tắt các đám cháy, bảo vệ an toàn tài sản Nhà nước, nhân dân, các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn".

Theo số liệu thống kê, năm 2023, toàn tỉnh Quảng Bình xảy ra 14 vụ cháy rừng (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước) thiệt hại 7,53ha rừng trồng và rừng tự nhiên. Bước vào mùa nắng nóng 2024, nhiều địa phương liên tiếp xảy ra cháy rừng đã làm gia tăng mức độ cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp IV-V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Phối hợp chặt chẽ các lực lượng

Tỉnh Quảng Bình hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 650.534,31ha, trong đó rừng đặc dụng 144.310,85ha, rừng phòng hộ 151.761,28ha, rừng sản xuất 318.086,18ha và diện tích ngoài 3 loại rừng nói trên là 36.375,53ha. Bước vào mùa nắng nóng năm 2024, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCC rừng với mục tiêu bảo vệ rừng từ sớm, từ xa.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ công tác PCCC rừng, trong đó chú trọng công tác thiết lập bản đồ cảnh báo; khoanh vùng, xác định vùng trọng điểm; sử dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh và theo dõi trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn.

UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao rừng, cho thuê rừng, rà soát xác định các vùng trọng điểm cháy rừng, xây dựng phương án PCCC rừng sát, đúng thực tế của địa phương, đơn vị và bảo đảm chủ động lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ".

Các hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở, chủ rừng và các dự án lâm nghiệp đã tổ chức trên 22 lớp tuyên truyền trực tiếp với 1.100 người tham gia; thực hiện hơn 2.400 lượt tuyên truyền các chuyên đề về bảo vệ phát triển rừng, PCCC rừng trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức lực lượng tăng cường giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng, kịp thời phát hiện sớm cháy rừng, huy động các lực lượng tham gia kịp thời dập tắt đám cháy, không để xảy ra cháy lớn; chủ động di dời dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

"Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân; áp dụng khoa học-công nghệ cảnh báo từ xa qua hệ thống vệ tinh, camera giám sát, tỉnh Quảng Bình đã thành lập hơn 500 tổ xung kích, ban cấp bách PCCC rừng từ thôn, bản đến các ban quản lý rừng, lâm trường, chủ rừng là hộ gia đình nhằm tăng dày lực lượng PCCC rừng trước mùa nắng nóng.

Trong điều kiện diện tích rừng rất rộng, nguồn lực còn hạn chế thì đây được xem là lực lượng quan trọng góp phần cùng lực lượng kiểm lâm và các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả phương án PCCC rừng tại cơ sở", đồng chí Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thông tin.

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện quản lý, bảo vệ 125.000ha rừng đặc dụng, 200.000ha rừng vùng đệm. Để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo công tác PCCC rừng; hợp đồng với hơn 1.000 hộ dân xung quanh vùng đệm tham gia PCCC rừng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như máy thổi lửa, vỉ dập lửa, nguồn nước dự phòng...

Cùng với đó, hơn 70% kiểm lâm viên được lệnh túc trực 24/24 giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sớm nguy cơ cháy rừng. Ngoài các trạm quản lý bảo vệ rừng bố trí tại các vị trí phù hợp cùng một đội kiểm lâm cơ động, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn phối hợp tổ chức nhiều tổ, đội thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm kiểm soát chặt chẽ lâm sản và phòng, chống cháy nổ.

"Chúng tôi đã sẵn sàng các phương án nhằm bảo vệ tuyệt đối rừng di sản thiên nhiên thế giới trên hệ núi đá vôi lớn nhất Đông Nam Á này”, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng khẳng định.

Dự kiến cuối tháng 6-2024, thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Trạch sẽ tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, cuộc diễn tập được tiến hành theo 3 cấp độ (xã, huyện, tỉnh) và sự tham gia của hơn 700 người cùng nhiều phương tiện. Đây được xem là cuộc tổng dượt của quân và dân huyện Quảng Trạch nhằm ứng phó hiệu quả với các tình huống cháy rừng cũng như triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.

"Ban CHQS huyện đã làm tốt công tác phối hợp, tham mưu hoàn tất mọi công tác chuẩn bị từ hệ thống kế hoạch, văn kiện, phương án, kịch bản, lựa chọn địa điểm thực binh... đồng thời huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên đơn vị cùng 4 trung đội dân quân cơ động tham gia diễn tập. Chúng tôi xác định lực lượng quân sự, công an, biên phòng, kiểm lâm là nòng cốt trong công tác PCCC rừng, chính vì vậy, việc phối hợp tổ chức chặt chẽ các nhiệm vụ không chỉ góp phần hoàn thành tốt cuộc diễn tập mà còn tạo cơ sở thống nhất để các đơn vị triển khai xử trí tốt những tình huống cháy, nổ xảy ra trong thời gian tới", Thượng tá Trần Ngọc Vinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quảng Trạch, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình thông tin.

Dự báo thời tiết, biến đổi khí hậu trong năm 2024 diễn biến phức tạp do tình trạng El Nino, hạn hán kéo dài. Để chủ động ứng phó với "giặc lửa", Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới bảo đảm quân số, sẵn sàng cơ động ứng phó và có phương án cụ thể với mọi tình huống xảy ra; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác bảo vệ, PCCC rừng.

Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã chủ động triển khai các biện pháp PCCC rừng sát với điều kiện thực tế địa bàn đóng quân và tình hình của từng đơn vị.

Thiếu tá Nguyễn Thái Tân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 42, Trung đoàn Bộ binh 996, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: "Đơn vị thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai kế hoạch, luyện tập thuần thục các phương án phòng, chống cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn. 100% cán bộ, chiến sĩ luôn xác định tốt nhiệm vụ, sẵn sàng cơ động và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khi có tình huống".

Bài và ảnh: TRẦN MINH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quang-binh-chu-dong-ung-pho-giac-lua-775989