Quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: Muôn vàn khó khăn, vất vả

Các chiến sĩ quân y đã phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men.

Trong bất kỳ một chiến dịch quân sự nào, lực lượng quân y luôn là lực lượng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong chiến dịch lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi anh chị em cán bộ, nhân viên quân y, dân công, hộ lý, cấp dưỡng phục vụ thương binh vào ngày 18/4/1954 đã viết: "... Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử quy mô to lớn hơn các chiến dịch trước. Do đó, công tác thương binh cũng đòi hỏi một sự cố gắng mới về tổ chức cũng như về tinh thần phục vụ... Từ nay đến lúc tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ, chúng ta còn phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ. Các đồng chí cần tiếp tục nâng cao tinh thần dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn gian khổ hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ cứu chữa anh em thương binh cho chu đáo".

Các chiến sĩ quân y khám bệnh và trao đổi kinh nghiệm tại Chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Trước khi trận đánh bắt đầu, ta đã bố trí được hơn 650 giường bệnh tại tất cả các vị trí. Trong đợt chiến dịch đầu tiên (bắt đầu từ ngày 13/3/1954), nhờ sự chủ động trong đối phó với địch, quân đội ta đã giảm thiểu được số lượng thương vong và có thể nhanh chóng cấp cứu, chữa trị cho các chiến sĩ bị thương nặng, từ đó họ đã được xuất viện trở lại đơn vị chiến đấu.

Tuy nhiên, đến đợt tấn công thứ hai, khi tình hình chiến sự trở nên ngày càng ác liệt, số lượng thương binh đã gia tăng đáng kể và có những thời điểm không thể kiểm soát được tình hình.

“..Nhiều khi đông thương binh phải làm việc liên tục hàng chục ngày đêm không ngủ, không tắm giặt, đến giờ thay nhau ăn cơm, thức ăn cả tuần hầu hết là thịt hộp…"- đó là hồi ức của một y tá trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Các chiến sĩ quân y đã phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Có những lúc quá đông thương binh đến độ hết băng, bông, thuốc giảm đau.

Không chỉ chăm sóc, cấp cứu cho thương binh mà lực lượng quân y còn đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác.

“Nhiệm vụ của cứu thương không chỉ là thay bông băng hay phát thuốc mà làm tất cả mọi việc. Từ cho thương binh đi vệ sinh, giặt giũ quần áo đến ăn uống với phương châm coi thương binh như người thân của mình. Nếu có ai qua đời, y tá làm luôn cả việc khâm liệm, đêm đến còn phải đốt đuốc đi coi xác đồng đội vì sợ lũ beo, sóc quấy phá. Khi đó chúng tôi làm việc với tất cả lòng nhiệt tình và hăng hái của tuổi trẻ", y tá Đội điều trị 6 Phùng Thị Tâm bày tỏ.

Nữ y tá tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh ngoài hỏa tuyến (Ảnh tư liệu)

Sau tất cả, với sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân Việt Nam, chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Sau chiến dịch, có một công việc mà quân y phải đảm nhiệm nhưng không lường trước được. Đó là giải quyết chăm sóc các thương, bệnh binh địch. Các chiến sĩ quân y đã ở lại tiếp tục cứu chữa gần 1.500 thương bệnh binh của quân đội Pháp. Đây là một trong những chính sách khoan hồng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Số tù binh Pháp bị thương nằm trong các hầm hào đã được các chiến sĩ quân y chăm sóc, cứu chữa cho đến khi cấp trên có chủ trương trao trả tù binh cho quân đội Pháp.

Bà Nguyễn Thị Được - Y tá Đội điều trị 4 chia sẻ: “Sau chiến dịch, tôi được giao phụ trách 80 thương binh Pháp để điều trị trước khi trao trả tù binh. Khi bị trêu chọc, tôi đã nói với họ: các anh là kẻ thất bại, còn tôi là đại diện cho bên chiến thắng. Vì lòng nhân ái nên chúng tôi cứu chữa các anh, các anh phải tuân thủ các quy định ở đây. Tôi chăm sóc tận tình nên họ rất quý mến. Ngày sinh nhật Bác Hồ, đi tới đâu cũng thấy lính Pháp nói "Hồ Chí Minh muôn năm” làm tôi cảm động lắm. Hôm trao trả tù binh, đơn vị tôi ra tiễn, trước khi lên máy bay họ đều đến chào và nói lời cảm ơn tôi".

Tù binh Pháp bị thương cuối cùng đã rời Mường Thanh bằng máy bay. (Ảnh tư liệu)

Lực lượng quân y vừa xông pha nơi trận địa đầy bom đạn và sự chết chóc để cứu chữa, chăm sóc, điều trị cho thương, bệnh binh vừa làm công tác tư tưởng, an ủi, động viên tinh thần cho bộ đội.

Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận nhưng lực lượng quân y đã góp phần to lớn vào chiến công vang dội của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

CTV Thùy Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quan-y-trong-chien-dich-dien-bien-phu-muon-van-kho-khan-vat-va-post1086643.vov