Quan xa, bản nha gần

Xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề liên quan quyền lợi của người dân, của các tổ chức, đơn vị (đặc biệt là tổ chức, đơn vị hoạt động kinh tế) cũng vì thế ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức lẫn nội dung. Cũng từ đây nảy sinh nhiều tình huống phức tạp, không dễ giải quyết, nhất là khi có người muốn giải quyết quyền lợi trước pháp luật nhưng chưa am hiểu luật pháp...

(Minh họa: Ngọc Anh).

Ngày nọ, sau khi làm thủ tục ở phường, tôi mang giấy tờ lên công an quận làm chứng minh nhân dân. Chị công an nhận giấy tờ, hẹn 10 ngày. Đúng hẹn tôi đến nhận. Lần đầu tiên có chứng minh nhân dân, tôi rất khoái, chẳng gì đã mấy chục năm chỉ dùng chứng minh sĩ quan. Chưa hết khoái thì phát hiện trên chứng minh ghi sai ngày sinh. Thấy tôi trả lại, chị công an hỏi cặn kẽ, hẹn tuần sau đến nhận. Nhưng chiều hôm đó, chị lại gọi điện bảo rằng tôi ghi sai trên tờ khai. Tôi ngớ người, bảo đảm không ghi sai vì đã thuộc nằm lòng ngày sinh của mình. Để chứng minh, tôi đọc chị nghe mấy câu lục bát tếu táo: “Hôm nay mồng 4 tháng 3 - Là ngày kỷ niệm Nguyễn Hòa ra đơi - Nhưng vì cái túi nó vơi - Cho nên cũng chẳng dám mời một ai!” tôi làm nhân một sinh nhật nằm khoèo giữa rừng biên giới, túi rỗng không mua nổi túi kẹo, mà túi đầy cũng chẳng tìm ra kẹo để mua. Nghe “thơ” của tôi, chị công an phá ra cười, và nhắc ngày đến nhận. Đúng hẹn, tôi lại đến. Nhưng mấy chị công an trong phòng lại yêu cầu trước hết tôi phải đọc mấy câu lục bát hôm trước các chị chưa được nghe. Tôi tông tốc đọc luôn. Các chị cười râm ran, rồi đưa tấm chứng minh. Vậy là bực mình vì tốn thời gian cho một việc lẽ ra không tốn thời gian, mà rốt cuộc lại thấy vui vui.

Vui nên tôi nhớ lâu, chứ thực tình tôi rất ngại có việc gì đó phải gặp ai đó ở cơ quan công quyền nào đó, nhất là việc liên quan quyền lợi. Hồi còn trẻ, chưa hiểu về thủ tục hành chính, vài ba lần tôi phải quay về vì còn thiếu giấy tờ, chưa đủ chữ ký, không đúng văn bản pháp quy… Về sau tôi rút kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ rồi mới đến cơ quan công quyền. Chưa nói, nhiều khi gặp vẻ mặt lạnh tanh hoặc quàu quạu, nói năng chỏng lỏn hoặc kẻ cả, hơi tý là cao giọng như muốn mắng vào người mà có lẽ theo họ là đang phải cầu cạnh,… thì tôi chỉ muốn bỏ về, nhưng đành cố nhịn làm cho xong. Mỗi lần như thế, lại nhớ lúc sinh thời, mỗi khi đến cơ quan công quyền giải quyết việc gì mà không xong, mẹ tôi lại càu nhàu: “Quan xa, bản nha gần”! Về sau, bất đắc dĩ tôi mới tới cơ quan công quyền làm các loại giấy tờ, thủ tục. Có khi thấy phức tạp quá, dù liên quan quyền lợi, tôi cũng bỏ qua. Đến ngày nọ, lãnh đạo một tổ chức đưa tôi phong bì hồ sơ, bảo tôi chịu khó về điền vào giấy tờ trong đó để xin gia nhập. Nể anh, lại thêm mấy người bạn khuyến khích, nghĩ anh em nhiệt tình mà từ chối thì cũng không nên, tôi quyết định làm giấy tờ. Gần tháng sau, đúng “quy trình”, tôi tới gặp ông phụ trách nhận hồ sơ. Giương mục kỉnh ngắm nghía giấy tờ xong xuôi, ông đưa tôi một mảnh giấy ghi danh sách thành viên bộ phận xem xét hồ sơ, chỉ khi nào họ đồng ý thì mới đề xuất lên lãnh đạo. Tôi hỏi: “Anh đưa danh sách này để em đến thăm họ à?”. Ông bảo: “Đưa để chú biết thôi mà”. Tôi nói luôn: “Nể lãnh đạo tổ chức em mới làm hồ sơ. Còn phải biết danh sách của ai đó, phải gặp ai đó thì em rút, và bác coi như em chưa nộp nhé”. Ông có vẻ chán, bảo đừng rút hồ sơ vội! Và tới khi viết những dòng này, tôi vẫn không thể tự lý giải: Vì sao ông ta lại đưa tôi cái danh sách kia?

Mới đây, đọc báo thấy tại kỳ họp thường kỳ tháng 7/2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến “tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước còn có hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, nhớ tới câu “Quan xa, bản nha gần”, tôi vào internet xem thiên hạ bàn ra sao. Và thấy hai cách giải thích khá giống nhau: “Nha là phòng giấy của các quan. Nha môn là cửa quan. Nha lại là những người làm việc ở phòng giấy các quan. Ngày trước, khi người dân có việc kêu kiện, bọn nha lại thường làm khó dễ để vòi tiền. Vì vậy mới có thành ngữ này”, và “Quan: người có quyền chức lớn. Bản nha: người có quyền chức nhỏ ở địa phương. Người có quyền ở địa phương thường lộng hành ức hiếp nhân dân, bất chấp cả luật pháp mà nhiều khi quan trên, cấp trên không hay biết”! Hóa ra từ xa xưa, xã hội Việt Nam đã xuất hiện một kiểu người gọi là nha lại, hay bản nha. Căn cứ vào hai giải thích trên thì chắc là kiểu người này hoành hành cũng ghê gớm, nên dân gian mới tổng kết được một câu thành ngữ.

Trên thực tế, trước tình trạng sách nhiễu nhân dân của một số, cán bộ viên chức, ngày 9/1/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP Về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (có hiệu lực từ ngày 25/2/2015). Điều 2 Nghị định nêu rõ: “2. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; 3. Phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân”. Và một trong các nội dung quan trọng của Nghị định là chỉ đạo xử lý kịp thời cán bộ có hành vi sách nhiễu dân, theo đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân, của tổ chức; kịp thời có biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với các cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, và sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong khi giải quyết công việc của công dân, của tổ chức… Phải chăng từ ngày Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP ban hành đến nay, tình trạng chưa thuyên giảm, nên Thủ tướng Chính phủ vẫn phải đề cập một cách nghiêm khắc?

Trong bài giảng về Nho giáo vào năm 1991 tại Viện nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, GS Trần Đình Hượu nói rằng: “Nếu quan phần lớn được tuyển dụng từ thi cử, thì lại lấy ở địa phương vì họ am hiểu địa phương, biết thảo giấy tờ. Những người này thường lắm mánh khóe, chính họ là lớp người thao túng việc quan, trở thành bộ phận chủ yếu sách nhiễu dân như kiểu “quan xa bản nha gần”... Lại không được làm quan, nên lại biến quan thành cái bung xung để lại kiếm ăn. Lệ là anh lính không ra trận, ở lại hầu quan, chuyển thư tín, truyền lệnh, giữ cửa quan. Anh này cũng có tý chút “quyền lực không thành văn” nên cũng dở thói hạch sách, ăn đút lót… Lớp cuối cùng trong bộ máy quan liêu phong kiến phương Đông là “hào cường”, đây là lớp đàn anh trong làng, giữ vị trí hào lý hoặc thân hào. Lớp này thường liên minh với quan lại. “Hào cường” kiếm ăn bằng phù thu lạm bổ, bớt xén, vu oan giá họa”. Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ tình trạng tham nhũng, sách nhiễu dân ở một số làng xã hiện nay thực chất là mô phỏng trở lại mô hình làng xã kiểu cũ”! Thiển nghĩ, nhận xét của GS Trần Đình Hượu là có lý. Nhớ lần đến xã nọ, tôi bái phục khi thấy anh chủ tịch hai tay cầm hai chai bia ghé nắp vào nhau, tách một cái là bật cả hai nắp chai, rất điệu nghệ. Bái phục hơn, vừa bật nắp chai bia anh vừa tâm sự: “Báo cáo các bác, làm việc ở địa phương như chúng em có hai cái khổ. Một là bị bà con bảo tham nhũng. Hai là phải uống bia nhiều quá!”. Nghe tiếng loa từ đâu oang oang, tôi hỏi, anh bảo đình làng mới sửa sang xong, hôm nay bà con làm lễ. Lát sau tôi qua thăm đình. Trong lúc trò chuyện với các cụ, tôi hỏi tại sao loa của đình làng lại cứ chĩa sang hướng ủy ban. Một cụ trả lời: “Chúng tôi xin phép sửa lại đình mà mãi chúng nó mới cho. Hôm nay sửa sang xong, chĩa loa sang bên đó cho bõ tức”!

Xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề liên quan quyền lợi của người dân, của các tổ chức, đơn vị (đặc biệt là tổ chức, đơn vị hoạt động kinh tế) cũng vì thế ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức lẫn nội dung. Cũng từ đây nảy sinh nhiều tình huống phức tạp, không dễ giải quyết, nhất là khi có người muốn giải quyết quyền lợi trước pháp luật nhưng chưa am hiểu luật pháp, hoặc có xu hướng giải quyết bằng con đường cảm tính theo kiểu: “Tôi nghĩ thế”, “Tôi tưởng thế”! Tiêu cực hơn, có người hoặc lãnh đạo tổ chức, đơn vị muốn đạt quyền lợi bằng thủ đoạn khuất tất, bất chính, lách luật, hoặc để tránh phiền hà, không tốn thời gian thì giải quyết nhanh gọn bằng cái “phong bì”… Về mặt tâm lý, mỗi khi phải đến “cửa quan” giải quyết việc nào đó, nhất là việc có liên quan quyền lợi, nhiều người bỗng dưng tự thấy mình bé nhỏ, vì nghĩ mình phải cầu cạnh, làm phiền lụy người khác,… từ đó dễ dụt dè, khúm núm, nói năng sẽ sàng, cười nịnh bợ, gãi đầu gãi tai. Nên cũng bỗng dưng, tình trạng này làm cho một số người tự thấy bản thân có “quyền lực”, có thể ban phát ơn huệ cho người khác, có thể lợi dụng. Rồi họ tận dụng thứ “quyền lực dựa hơi” này để sách nhiễu, dọa nạt, hách dịch, đòi hỏi, tìm thủ đoạn để tham nhũng và trục lợi theo kiểu “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Trên thực tế, những con người như vậy không những là tác nhân gây ra nỗi bức xúc khi công dân, tổ chức làm việc với cơ quan công quyền, mà họ còn làm ảnh hưởng tới uy tín bộ máy chính quyền, đến chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước. Nên tôi chỉ mong Nghị định 04/2015/NĐ-CP và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sớm được hiện thực hóa, để xã hội ngày càng nhiều công bộc, và vắng bóng những nha lại, bản nha làm khổ dân lành.

NH - 7/2016
Nguyễn Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/quan-xa-ban-nha-gan/117100