Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm là sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vì vậy, mỗi thay đổi dù nhỏ của kỳ thi cũng tác động đến hàng triệu gia đình có con em tham gia kỳ thi nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung trong công tác chuẩn bị để làm sao kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao nhất.

Vài năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ được sự ổn định. Học sinh tham gia kỳ thi với 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 3 môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ môn Văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm. Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và có độ phân hóa nhất định để ngoài mục đích xét tốt nghiệp, học sinh còn sử dụng kết quả này xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi năm 2024 vẫn giữ như cũ. Nếu có thay đổi cũng chỉ là một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi thuận tiện hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, qua năm 2025, kỳ thi sẽ một lần nữa có sự thay đổi, vì đây là năm đầu tiên số học sinh lớp 12 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 thi tốt nghiệp. Kỳ thi sẽ diễn ra như thế nào cho đúng với tinh thần mà Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 hướng tới đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì vừa qua, Bộ GD-ĐT đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Văn) và 2 môn tự chọn, thay vì thi theo tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là phương án giảm được áp lực thi cử cho thí sinh, đồng thời giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội vì số môn thi ít hơn, số buổi thi cũng giảm so với trước. Đây cũng là phương án sẽ không gây tình trạng mất cân bằng trong việc chọn tổ hợp thi khi hiện nay tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế hơn Khoa học tự nhiên. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc có ít môn thi hơn sẽ không làm giảm chất lượng các môn học khác, vì tất cả môn học trong chương trình lớp 12 đều được đánh giá, xếp loại từng học kỳ và cả năm. Do đó, thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng. Dù là phương án thi như thế nào thì yêu cầu cao nhất vẫn là đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, giảm bớt những thủ tục phiền hà không đáng có, đồng thời cho thấy được chất lượng đào tạo thực chất của chương trình giáo dục phổ thông. Bởi không ít ý kiến cho rằng, với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hàng năm rất cao, lên tới 97-98%, nên chăng xem xét để tiến tới không cần tổ chức kỳ thi này mà chỉ cần xét tốt nghiệp như với bậc THCS. Còn nếu duy trì thi, từ phương án thi đến công tác chuẩn bị phải thật kỹ lưỡng, chu đáo, đặc biệt là không gây quá nhiều xáo trộn, áp lực cho thí sinh và cả xã hội.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/quan-trong-nhat-van-la-dam-bao-quyen-loi-cho-thi-sinh-b9064f4/