Quan tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất trong trường học

Để hiện thực hóa mục tiêu thay đổi căn bản môn Giáo dục thể chất, đưa môn học này trở nên hứng thú, hấp dẫn, phù hợp với từng độ tuổi học sinh, bên cạnh làm mới nội dung, chương trình rất cần có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng, cần sự đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng đội ngũ giáo viên, bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học…

Cùng với các mục tiêu về phát triển học sinh một cách toàn diện cả về đức-trí-thể-mĩ, giáo dục thể chất có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao thể lực cho học sinh. Có sức khỏe tốt, học sinh mới có điều kiện học tập, vui chơi, rèn luyện hiệu quả. Tuy vậy, vốn từ lâu giáo dục thể chất trong các trường học vẫn ngầm được hiểu là một môn học phụ, kết quả học tập của học sinh chỉ là đạt hay chưa đạt, mà không có bất cứ một sự phụ thuộc hay liên quan đến các môn học văn hóa. Bên cạnh đó, sự đầu tư cho giáo dục thể chất cũng mới dừng ở mức độ nhất định, chưa phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi thực tế của môn học… nên để nâng cao được chất lượng công tác giáo dục thể chất còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Với sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, môn Giáo dục thể chất của các cấp học đã được nâng cao dần về chất lượng, hiệu quả. Ảnh: Trần Hà

Qua tìm hiểu được biết, căn cứ vào phân phối chương trình, các nhà trường, cấp học luôn thực hiện đầy đủ các nội dung của môn học Giáo dục thể chất. Về mặt lý thuyết, giáo dục thể chất cho học sinh trong các trường học nhằm để rèn luyện thể chất học sinh và dạy học sinh cách tự rèn luyện thể chất. Hiện nay, chương trình môn học được thiết kế theo hướng kế hoạch tự chủ của các nhà trường. Theo đó, ngoài nội dung quy định, căn cứ vào thế mạnh của mỗi đơn vị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh…, các trường tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn môn học theo sở thích, nhằm phát triển năng khiếu các môn thể thao, như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném... Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện học sinh, các nhà trường, các cấp học trên địa bàn tỉnh đã cơ bản có đủ đội ngũ giáo viên dạy thể dục; hầu hết được đầu tư xây dựng nhà đa năng, có tương đối đầy đủ các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ môn học. Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học cũng được giáo viên tích cực triển khai. Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của môn học Giáo dục thể chất đã từng bước được cải thiện.

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của một số giáo viên, do thời lượng dành cho môn học ở cả 3 cấp học phổ thông hiện mới có 2 tiết/tuần nên việc thực hiện các mục tiêu rèn luyện và nâng cao thể chất cho học sinh một cách đúng nghĩa vẫn còn hạn chế; môn Giáo dục thể chất tuy đã được nhìn nhận tích cực hơn nhưng vẫn cần phải được coi là một môn học đặc biệt, có tính đặc thù cao, không nên xếp chung với thời khóa biểu các môn học khác, mà cần có lịch học riêng, tạo tâm lý thoải mái và sức khỏe phù hợp cho học sinh khi học. Bên cạnh đó, tuy đã có sự đầu tư đáng kể cho việc triển khai các nội dung dạy và học môn Giáo dục thể chất, song tình trạng thiếu sân tập vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm ở một số đơn vị trường học.

Để tạm thời khắc phục tình trạng đó, các trường đưa ra giải pháp kết hợp sân chơi và sân tập làm một, nhưng khi sân chơi trở thành sân tập thể dục thì các môn, như: nhảy xa, nhảy cao, đẩy tạ, ném bóng... rất khó áp dụng vào dạy trong nhà trường. Hơn thế, khi sân chơi thành sân tập luyện, quá trình tập theo đúng quy chuẩn của một tiết học sẽ ảnh hưởng đến các học sinh trong lớp khác do tiếng ồn... Các nhà trường có thể đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để bảo đảm cho giảng dạy thể dục và tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, nhưng chưa thể đáp ứng cho nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của học sinh một cách đầy đủ, hiện đại và khoa học, còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do trình độ đào tạo chỉ theo một chuyên ngành nên một bộ phận giáo viên còn gặp khó khăn thực hiện chương trình Giáo dục thể chất, còn tình trạng dạy học theo lối mòn, ngại thay đổi, phương pháp dạy học chưa thực sự phát huy được năng lực, sở trường của học sinh trong quá trình học và luyện tập.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn các nhà trường, cấp học tăng cường triển khai hoạt động giáo dục thể chất; linh hoạt lựa chọn, xây dựng chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp tình hình đơn vị, khả năng của giáo viên, năng khiếu và sở thích của học sinh. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép các môn thể dục, thể thao vào các tiết dạy, đưa nội dung bơi lội vào trường học… giúp học sinh yêu thích môn học và luyện tập tích cực, thường xuyên hơn. Nhưng để nâng cao chất lượng thực chất môn Giáo dục thể chất, vẫn cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị dạy học; tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được học tập, tích cực cải tiến phương pháp dạy học...

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/quan-tam-nang-cao-chat-luong-cong-tac-giao-duc-the-chat-trong-truong-hoc-116195.html