Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công

Theo số liệu của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, tỉnh Ninh Bình đã có 235 nghìn cán bộ, chiến sỹ là con em quê hương hăng hái lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc và đã có hơn 17.000 người anh dũng hy sinh, được công nhận là Anh hùng liệt sỹ; hơn 1.200 bà mẹ được công nhận là mẹ Việt Nam anh hùng; 13.386 thương binh, 8.377 bệnh binh, trên 700 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 8.900 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...

Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tặng quà các cựu thanh niên xung phong thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang

Những năm qua, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách ưu đãi đối với người có công, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, người dân đã có nhiều hành động thiết thực chăm lo cho các đối tượng người có công.

Tiêu biểu như các hoạt động hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà; thăm, tặng quà động viên; nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng; tạo điều kiện giúp các thương, bệnh binh, con của người hoạt động kháng chiến còn sức khỏe, trình độ, được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình…

Nhờ đó, người có công trong tỉnh đều đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư. Không đầu hàng trước thương tật, nhiều thương, bệnh binh dù mang trong mình nhiều vết thương nhưng bằng nghị lực phi thường, vẫn luôn kiên cường, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, trở thành tấm gương sáng để con cháu noi theo.

Tiêu biểu như cựu chiến binh Phạm Văn Bảo, thôn 18, xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) năm nay đã gần 70 tuổi. Mang thương tật 61% nhưng khi nào thấy bản thân khỏe, có thể làm được là ông lại miệt mài với việc kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Bảo cho biết, sau khi rời quân ngũ, nhiều năm lăn lộn với ruộng vườn, cũng chỉ đủ cho gia đình cơm ăn ngày 2 bữa.

Trăn trở, suy tư, vợ chồng ông Bảo quyết định vay mượn thêm nguồn vốn vay ưu đãi để kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp. Vợ chồng ông đã vượt khó thành công, mỗi năm, tổng số đạm lân, thuốc BVTV bán lẻ đạt trên 50 tấn. Đồng thời, gia đình ông Bảo còn sản xuất các loại rau giống, rau củ quả, cung cấp cho thị trường. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Phát huy tinh thần người lính bộ đội cụ Hồ, ông Bảo và gia đình tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào các hoạt động xã hội tại địa phương...

Với thương binh Nguyễn Xuân Đích, xã Yên Thắng (huyện Yên Mô), sau những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, khi trở về quê hương, ông mang trong mình nhiều thương tật. Được các cấp hội cựu chiến binh và địa phương tạo điều kiện tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để mở xưởng mộc. Bằng sự nỗ lực không ngừng, đến nay, gia đình ông Đích đã gây dựng được 2 xưởng mộc, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng.

Ông Đích chia sẻ, thực hiện lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế", tôi luôn cố gắng vươn lên, lo cho cuộc sống của gia đình, có điều kiện giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Tôi cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức Hội Cựu chiến binh, của người thân, anh em họ hàng, bà con làng xóm...

Để có được cuộc sống vật chất ổn định, tổ ấm gia đình hạnh phúc, các thương, bệnh binh đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc, động viên của toàn xã hội, trong đó có tình yêu thương vô bờ bến của những người phụ nữ. Những người phụ nữ này đều xác định rõ, đã chấp nhận "nên duyên", cùng xây dựng tổ ấm với những thương binh là chịu sự vất vả, khó khăn, những hy sinh không thể đo, đếm được.

Như với bà Hoàng Thị Mẫn, thị trấn Me (huyện Gia Viễn), là vợ chiến sỹ giải phóng, một mình đảm nhiệm nhiều "vai", vừa lo toan cho cuộc sống gia đình, vừa tích cực tham gia công tác Hội phụ nữ ở xã Gia Vượng, nay là thị trấn Me. Chồng bà Mẫn là ông Trần Văn Phan thương binh loại 1. Thương chồng, không ngại khó khăn, vất vả, bà Mẫn luôn đồng hành động viên, xoa dịu vết thương chiến tranh và cùng chồng tham gia làm kinh tế để nuôi hai con ăn học.

Nhờ sự hỗ trợ, tảo tần của vợ, giờ đây thương binh Trần Văn Phan có một cuộc sống hạnh phúc. Các con của ông bà đã xây dựng gia đình, có cuộc sống ổn định, đặc biệt hai người con trai và một con dâu đều phục vụ trong quân ngũ. Bằng tấm lòng, tình yêu thương, nhiều phụ nữ đã lặng lẽ chăm sóc chồng, con, nhất là mỗi khi trái gió, trở trời vết thương tái phát, những người phụ nữ ấy đã luôn ở bên ân cần, chăm sóc, tiếp thêm nghị lực để các thương binh vượt lên chiến thắng thương tật.

Bà Nguyễn Thị Dung, xã Gia Phú (huyện Gia Viễn) từng là niềm mơ ước của bao chàng trai khi ở tuổi mười tám đôi mươi, nhưng bà đã đem lòng yêu thương và nên duyên vợ chồng với thương binh Nguyễn Hữu Xinh. Khi 3 người con lần lượt ra đời, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của bà. Vừa chăm sóc các con nhỏ, chăm sóc chồng với vết thương cũ thường xuyên tái phát, bà Dung vừa chăm chỉ tăng gia sản xuất để lo kinh tế cho gia đình.

Lam lũ vất vả là vậy nhưng bà Dung vẫn luôn nghị lực, lạc quan. Bà động viên và ủng hộ ông tham gia công tác xã hội. Nhờ đó, ông Xinh có gần 10 năm làm Trưởng Công an xã Gia Phú và luôn là đảng viên mẫu mực ở địa phương. Tranh thủ những ngày nghỉ, ông lại cùng bà vun vén mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng của gia đình.

Đến nay, các con của ông bà đã trưởng thành, có gia đình riêng ổn định. Mô hình kinh tế của gia đình thương binh Nguyễn Hữu Xinh ngày càng ổn định và phát triển, là chỗ dựa để ông bà vui vầy cùng con cháu và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đã 48 năm sau ngày thống nhất đất nước, với sự quan tâm của xã hội và sự nỗ lực vươn lên của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc hóa học..., đời sống của người có công và thân nhân liệt sỹ ngày càng được cải thiện và nâng cao. Việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người có công luôn được tỉnh quan tâm, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Các cấp, các ngành và toàn xã hội đã thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn". 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến hết đời.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn người có công là hộ nghèo, mức sống của người có công đều bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân tại nơi cư trú. Bằng trách nhiệm, nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm bằng những việc làm cụ thể, dành những tình cảm tốt đẹp nhất, để tri ân, bù đắp những mất mát, hy sinh, cống hiến của người có công trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-cham-lo-doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cho-nguoi-co/d20230727083927866.htm