Quân sự thế giới hôm nay (15-5): Nga không kích Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm Kh-32

Quân sự thế giới hôm nay (15-5-2024) có những nội dung sau: Nga không kích Ukraine bằng tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-32, Đức cung cấp đạn pháo có tầm bắn lên tới 100km cho Ukraine, Malaysia sắp nhận tên lửa chống tăng Karaok từ Thổ Nhĩ Kỳ.

* Nga không kích Ukraine bằng tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-32

Một đoạn video được đăng trên Telegram mới đây cho thấy máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã phóng tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-32 để không kích Ukraine.

 Nga sử dụng máy bay ném bom Tu-22M3 để phóng tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-32. Ảnh: Army Recognition

Nga sử dụng máy bay ném bom Tu-22M3 để phóng tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-32. Ảnh: Army Recognition

Tên lửa Kh-32 do Nga phát triển là phiên bản nâng cấp của Kh-22 - một loại tên lửa chống hạm tầm xa có định danh NATO là AS-4 Kitchen. Kh-32 chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Đáng chú ý, tên lửa này có thể đạt tốc độ Mach 5 (khoảng 6.200km/giờ) và có tầm bắn hơn 1.000km, cho phép nó tấn công các mục tiêu cách rất xa tầm hoạt động của hệ thống phòng không đối phương.

Kh-32 được thiết kế để đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau nhờ tính linh hoạt của tải trọng. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn thông thường chống hạm cũng như các đầu đạn giảm bức xạ chuyên dụng để vô hiệu hóa hệ thống radar của đối phương. Tốc độ siêu vượt âm của Kh-32 là yếu tố giúp tên lửa được lựa chọn cho các nhiệm vụ chống lại các mục tiêu quan trọng trên biển, bao gồm cả tàu sân bay. Cấu hình giảm bức xạ của tên lửa cũng cho phép nó tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương bằng cách phá hủy các trạm radar.

Kh-32 được chế tạo để trang bị trên máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3. So với phiên bản tiền nhiệm Kh-22, Kh-32 có cùng thiết kế cấu trúc và kích thước hình học. Tuy nhiên, trọng lượng đầu đạn của Kh-32 đã giảm xuống còn 500kg nhằm mở rộng tầm bắn của tên lửa. Bên cạnh đó, Kh-32 còn được trang bị động cơ mạnh hơn để tăng hiệu suất. Tên lửa được tích hợp hệ thống dẫn đường quán tính radar với hiệu chỉnh vô tuyến và tham chiếu dựa trên địa hình. Thay vì dựa vào hệ thống lái tự động, Kh-32 sử dụng hệ thống điều khiển tự động.

Một trong những cải tiến đáng chú ý nhất là phạm vi hoạt động tối đa của Kh-32, lên tới gần 1.000km. Về khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không, trong giai đoạn cuối của hành trình bay, Kh-32 sử dụng khả năng bổ nhào, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa như hệ thống chiến đấu Aegis, được trang bị tên lửa Standard Missile 6, gặp khó khăn trong việc theo dõi và tấn công. Hơn nữa, radar đa tần của Kh-32 cũng giúp cải thiện khả năng chống tác chiến điện tử như gây nhiễu điểm.

* Đức cung cấp cho Ukraine đạn pháo có tầm bắn lên tới 100km

Theo tờHandelsblatt, Đức có kế hoạch cung cấp một loại đạn pháo có khả năng đạt tầm bắn lên tới 100km để tăng cường năng lực pháo binh cho Ukraine. Kế hoạch này có thể sẽ cách mạng hóa hệ thống pháo binh hiện tại của Ukraine, khi quốc gia này vốn đang chủ yếu sử dụng đạn pháo 155mm với tầm bắn khoảng 32km.

 Công ty Rheinmetall của Đức đang tăng cường sản xuất các loại đạn pháo. Ảnh: Rheinmetall

Công ty Rheinmetall của Đức đang tăng cường sản xuất các loại đạn pháo. Ảnh: Rheinmetall

Thông tin chi tiết về loại đạn này hiện vẫn đang được nhà phát triển Rheinmetall giữ bí mật với lý do vì an ninh của Ukraine. Là nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, Rheinmetall đang tăng cường sản xuất các loại đạn pháo. Công ty có kế hoạch gửi hàng trăm nghìn quả đạn pháo tới Ukraine, bao gồm cả lô hàng nguyên mẫu mới có tầm bắn xa hơn này trong năm nay.

Trước đó, loại đạn có tầm bắn xa nhất Đức cung cấp cho Ukraine là đạn pháo tầm xa Vulcano, có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 80km. Theo nhà sản xuất, Vulcano có khả năng tương thích với các hệ thống pháo binh hiện có và phiên bản dẫn đường của nó có tầm bắn 73km.

* Malaysia sắp nhận tên lửa chống tăng Karaok từ Thổ Nhĩ Kỳ

Mới đây, nhà thầu quốc phòng Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ công bố sẽ giao lô tên lửa chống tăng Karaok đầu tiên cho Lực lượng vũ trang Malaysia (ATM) vào đầu năm 2026.

 Karaok là tổ hợp tên lửa chống tăng tầm ngắn do công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Ảnh: Roketsan

Karaok là tổ hợp tên lửa chống tăng tầm ngắn do công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Ảnh: Roketsan

Theo đó, ATM sẽ đưa Karaok vào biên chế nhằm thay thế tổ hợp tên lửa chống tăng Metis-M do Nga sản xuất. Điểm nổi bật của Karaok là tên lửa có khả năng "bắn và quên" và có thể tấn công xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép từ khoảng cách 2,5km ở cả chế độ tấn công trực tiếp và tấn công từ trên cao (đột nóc).

Để chuẩn bị cho việc tích hợp công nghệ mới này, Roketsan sẽ cung cấp chương trình đào tạo toàn diện cho ATM, bao gồm cả mô phỏng và các chương trình luyện tập thực tế. Tuy nhiên, Rocketsan vẫn chưa tiết lộ giá trị hợp đồng với ATM và số lượng cụ thể sẽ giao cho Malaysia.

Karaok là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai tầm ngắn, có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện cả ngày và đêm nhờ được trang bị thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại. Karaok sử dụng tên lửa có đường kính 125mm, tổng trọng lượng dưới 16kg, bao gồm cả đạn và ống phóng, tầm bắn 2,5km và được trang bị đầu đạn xuyên giáp, giúp nâng cao khả năng hoạt động hiệu quả trong các tình huống chiến đấu khác nhau.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-5-nga-khong-kich-ukraine-bang-ten-lua-sieu-vuot-am-kh-32-776919