Quản lý tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Trước đây, để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu, cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động, giao dịch thương mại. Nhưng hiện nay phương pháp này không còn phù hợp khi tính chất phức tạp và khối lượng thương mại quốc tế gia tăng.

Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa xuất cảnh. Ảnh: NGUYỄN DUY

Tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa, người và phương tiện vận tải di chuyển quốc tế là yêu cầu khách quan đòi hỏi ngành hải quan phải chuyển sang phương pháp quản lý mới trong thực thi nhiệm vụ. Theo số liệu thống kê hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2015: Tổng số lượng tờ khai được thực hiện là hơn 8,5 triệu tờ, với kim ngạch đạt 327,59 tỷ USD. Để bảo đảm DN tuân thủ pháp luật và giảm sự gián đoạn trong thương mại đến mức thấp nhất, giảm chi phí thương mại và giảm chi phí xã hội, ngành hải quan đã áp dụng quản lý tuân thủ đối với DN xuất, nhập khẩu. Đặc điểm phương pháp này là định hướng cộng đồng DN tuân thủ tự nguyện để được xếp vào diện rủi ro thấp, qua đó cơ quan hải quan dành nguồn lực kiểm soát các DN bị xếp vào diện rủi ro cao.

Phó Cục trưởng Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Bùi Thái Quang cho biết, để xây dựng môi trường tuân thủ pháp luật, cơ quan hải quan đã thực hiện phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN, kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc của DN và hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan đến đánh giá tuân thủ, hỗ trợ họ nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Cơ quan hải quan thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá rủi ro về tình hình hoạt động và chấp hành pháp luật của DN; điều chỉnh các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục, chế độ ưu tiên cũng như cơ chế đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro đối với DN. Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về hồ sơ DN xuất, nhập khẩu để đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro DN. Kết quả đánh giá tuân thủ DN có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ quan hải quan tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN, đó là: thực hiện kiểm tra mức độ cao đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN không tuân thủ. DN tuân thủ được áp dụng tỷ lệ kiểm tra rất thấp, bảo đảm thông quan nhanh chóng, thuận lợi.

Sau thời gian áp dụng quản lý tuân thủ, DN tham gia tự nguyện tuân thủ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, cơ quan hải quan nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý tuân thủ, hướng đến sự nhanh chóng, minh bạch trong quản lý; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với DN về tình trạng tuân thủ pháp luật của DN, từ đó xác định những vấn đề mà DN cần cải tiến, điều chỉnh để duy trì hoặc chuyển sang trạng thái tuân thủ; thường xuyên hướng dẫn, tập huấn thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hải quan, giúp DN nắm vững các quy định, quy trình thủ tục, giảm rủi ro vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN đánh giá, đo lường mức độ tuân thủ pháp luật của DN để cải thiện hiệu quả kiểm soát nội bộ DN và cung cấp thông tin, cảnh báo các rủi ro liên quan đến việc tuân thủ pháp luật của DN.

Nhiều DN cho biết, với việc tự nguyện tuân thủ, DN sẽ được “lợi đủ đường”, như: có cơ hội hợp tác, được cơ quan hải quan hỗ trợ về thông tin, kiểm soát hệ thống nội bộ DN, được giảm tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định, giúp thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Trong quá trình làm thủ tục đối với hàng xuất, nhập khẩu tại chỗ, nếu DN tuân thủ và đối tác mua bán hàng hóa cũng là DN tuân thủ thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau và cơ quan hải quan chỉ kiểm tra chứng từ mà không kiểm tra thực tế hàng hóa. DN tuân thủ còn được chấp nhận chứng từ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thuế do tổ chức tín dụng phát hành, được đưa hàng về bảo quản, được ưu đãi trong việc lựa chọn hồ sơ thuế để áp dụng chế độ kiểm tra trước hoặc kiểm tra sau khi thực hiện miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế; được giảm mức độ rủi ro khi lựa chọn để kiểm tra toàn bộ hồ sơ quyết toán thuế…

Lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cho rằng, để được đánh giá là DN tuân thủ, DN nên chấp hành tốt pháp luật, chủ động cung cấp thông tin hồ sơ DN để cơ quan hải quan có đủ thông tin đánh giá DN hiệu quả. Những vướng mắc phát sinh cũng cần DN cung cấp kịp thời để cơ quan hải quan xử lý. DN cần hạn chế hủy tờ khai, sửa tờ khai, hạn chế các vi phạm nhỏ vì sẽ ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của DN… “DN cũng cần có trách nhiệm cung cấp thông tin về DN khác có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan hải quan, giúp lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, giúp cơ quan hải quan kiểm soát rủi ro trong thực thi nhiệm vụ”, đồng chí Bùi Thái Quang nhấn mạnh.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31320902-quan-ly-tuan-thu-phap-luat-doi-voi-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau.html