Quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền người vi phạm

Tăng 8% lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ công chức; Nhiều hỗ trợ học sinh ở thôn, xã đặc biệt khó khăn; Quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền người vi phạm...Đó là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.9.2016.

Ảnh minh họa (Internet)

Tăng 8% lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức

Theo Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có hiệu lực từ ngày 01.09.2016, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày 01/05/2016 được tăng thêm 8%. Như vậy, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng mới của các đối tượng này sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng nhân với 1,08.

Đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01/01/1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 01/01/2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 - 31/12/2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 01/01/2016 - 30/04/2016; thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 01/05/2016 trở đi.

Quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền người vi phạm

Theo Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13, công chức quản lý thị trường không được thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Không được cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.

Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ; Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường.

Cũng theo Pháp lệnh này, công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường; thẻ có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày được cấp. Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ mà chưa có quyết định xử lý; tham mưu, ban hành quyết định trái pháp luật; đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo; bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam…, công chức sẽ bị tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01.09.2016.

Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 5 năm

Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như: Khảo sát xây dựng; Thiết kế quy hoạch xây dựng; Thiết kế xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng; Kiểm định xây dựng; Định giá xây dựng phải có Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cá nhân phải đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian kinh nghiệm và phải trải qua sát hạch cấp chứng chỉ theo hình thức thi trắc nghiệm. Trong đó, thời hạn hành nghề tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng là 05 năm; khi hết thời hạn, cá nhân có nhu cầu hoạt động xây dựng làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Đối với chứng chỉ hành nghề đã được cấp trước ngày 01/09/2016, được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn; trường hợp không ghi thời hạn hiệu lực, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/06/2018. Riêng với người nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam dưới 06 tháng, được sử dụng chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nhưng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định.

Những nội dung trên được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 17/2016/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 01.09.2016.

Hỗ trợ tiền ăn, ở, gạo cho học sinh ở thôn, xã đặc biệt khó khăn

Ngày 18/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, mỗi học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15kg gạo mỗi tháng; thời gian hỗ trợ trong mỗi năm học đối với từng học sinh tối đa là 09 tháng.

Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, Chính phủ sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01.09.2016.

Clip Tang vật vụ buôn bán, vận chuyển vàng lậu do Công an Hà Nội triệt phá.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/quan-ly-thi-truong-khong-duoc-sach-nhieu-doi-tien-nguoi-vi-pham-586942.bld